Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã Huy Tân (Phù Yên) có 7 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, trong đó chủ yếu là sắn và dong riềng.
Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất tại cơ sở của gia đình ông Mùi Văn Luốn đều xả trực tiếp ra suối Liếm.
Không thể phủ nhận, những cơ sở này đã góp phần giải quyết một khối lượng lớn nông sản cho bà con và tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất của các cơ sở này đang gây ô nhiễm nguồn nước suối Liếm và một phần cánh đồng bản Lềm. Mặc dù cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều biện pháp xử lý, ngăn chặn, nhưng cứ đến vụ sản xuất, tình trạng xả thải vẫn tiếp diễn.
Ông Đinh Tân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 1 năm sau, thời điểm các cơ sở sản xuất thì tại khu vực bản Lềm phía thượng nguồn suối Liếm nước đen sì, bã thải chưa xử lý bốc mùi hôi thối nồng nặc xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về tình trạng này, xã đã thành lập các tổ đi kiểm tra, xử lý và báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Tuy nhiên, đến nay tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết.
Chúng tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã lên phía thượng nguồn suối Liếm. Cơ sở chế biến dong riềng đầu tiên chúng tôi gặp là của hộ gia đình ông Đinh Quyết Thắng, theo quan sát, nước thải chưa qua xử lý theo đường ống dẫn dài khoảng 200 m xả thẳng ra ao tù gần đó, bờ ao không được xây kiên cố, bạt chống thấm chỉ là bạt dứa thông thường, nhưng đã mục nát, không còn tác dụng chống thấm, mặc dù cơ sở có xử lý bằng men vi sinh, nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc, nước sau đó xả trực tiếp ra cánh đồng bản Lềm.
Đi tiếp lên phía thượng nguồn, đến cơ sở chế biến của hộ gia đình ông Mùi Văn Luốn, tại đây, công nhân đang vận hành máy để rửa, nghiền và dẫn vào các bể lắng để tách tinh bột. Toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất đều được xả trực tiếp ra suối Liếm phía sau cơ sở này. Mặc dù tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng chủ của cả 2 cơ sở đều cho rằng việc xả nước thải không ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng, khi tiếp xúc với các hộ dân sống xung quanh thì họ lại vô cùng bức xúc, bởi cứ đến mùa sản xuất lại phải chịu đựng mùi hôi thối.
Ông Đinh Văn Thuyền, bản Lềm bức xúc nói: Nhiều năm liền, các cơ sở sản xuất này đều xả thải trực tiếp ra suối, ruộng, nước bị ô nhiễm nên khi lấy vào ao là cá chết hết, đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ suối bốc lên ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình. Còn ông Hà Trung Thiêu, Trưởng bản Lềm cho biết: Trung bình cứ 1 tấn dong riềng mất 3 m3 nước để sơ chế, sau khi sơ chế tỷ lệ tinh bột thu được khoảng 15%, còn lại 85% là bã và nước thải. Như vậy, 7 cơ sở trên địa bàn, trung bình mỗi ngày sơ chế khoảng 70 tấn dong riềng và sắn, sẽ xả gần 60 tấn bã thải và hơn 210 m3 nước trực tiếp ra môi trường.
Tìm hiểu được biết, chính quyền xã đã thành lập đoàn kiểm tra tổ chức kiểm tra 4 cơ sở chế biến dong riềng của hộ gia đình ông Mùi Văn Miền, Hà Ngọc Hoàng, Mùi Văn Luốn và hộ bà Mùi Thị Thống. Qua kiểm tra, các cơ sở này đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bản cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tất cả các cơ sở này đều không thực hiện đúng theo cam kết bảo vệ môi trường đã ký. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Tân Hưng, khó khăn nhất đối với chính quyền xã hiện nay là không có thiết bị để xác định mức độ ô nhiễm, nên chỉ áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính và tạm thời đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không tuân thủ đúng cam kết bảo vệ môi trường.
Thiết nghĩ, để việc sản xuất chế biến bảo đảm môi trường, chính quyền xã cần phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh xác định đúng mức độ ô nhiễm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Về lâu dài, cần khẩn trương quy hoạch để đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản cho bà con, gắn với bảo vệ môi trường.
Lò Thái (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!