Quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường: Kỳ I: Nhiều khó khăn, vướng mắc

Các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La được hình thành sau năm 1954. Từ 11 nông, lâm trường ban đầu, sau rà soát, sắp xếp, đến nay, toàn tỉnh còn 8 đơn vị, với tổng diện tích đất trên 36.000 ha; trong đó, gần 17.500 ha đất các công ty, nông, lâm nghiệp và các tổ chức khác giữ lại tiếp tục sử dụng; khoảng 18.500 ha đất bàn giao cho huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã quản lý.

Giọng nam

 Những tồn tại sử dụng đất 

Nhiều năm qua, việc các hộ thuê khoán đất của các nông, lâm trường sử dụng không đúng mục đích, tự ý chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, tạo lập tài sản trên đất... đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La. 

Ngôi nhà xây khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Gấm, tiểu khu 10, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn xây trên diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý. Năm nay, bà Gấm đã tuổi 82 cùng con cháu sinh sống trong căn nhà, nhưng bà Gấm luôn lo lắng vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà Gấm chia sẻ: Tôi làm y tá ở Nông trường Tô Hiệu từ năm 1966 đến năm 1988. Được lãnh đạo nông trường động viên, gia đình tôi đã nhận khoán 5.000 m2 đất trồng rừng phòng hộ. Năm 1993, gia đình dựng căn nhà gỗ để ở. Đến năm 2010, gia đình tiếp tục xây dựng ngôi kiên cố. Tôi đã gắn bó với mảnh đất này cả đời, mong muốn sớm được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để con, cháu yên tâm sinh sống.

Cán bộ phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mai Sơn và lãnh đạo xã Hát Lót trao đổi với  bà Nguyễn Thị Gấm, tiểu khu 10, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. 

Còn trường hợp ông Lò Văn Yến, Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, qua rà soát là một trong những trường hợp vi phạm mục đích sử dụng đất khi thực hiện xây dựng lán trại trên đất nông nghiệp có nguồn gốc nông, lâm trường.

Ông Lò Văn Yến giãi bày: Năm 1995, gia đình tôi nhận khoán đất nông nghiệp của Nông trường Cờ Đỏ Mộc Châu (nay là Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu), theo sổ theo dõi hợp đồng nhận khoán và sử dụng đất nông nghiệp từ năm 1998, tổng diện tích 18.320m2 thuộc tiểu khu Chờ Lồng. Năm 2016, gia đình xây dựng công trình nhà lán, nhà nuôi dê và công trình phụ phục vụ sản xuất trên diện tích khoảng 200m2.. Khi xây dựng, tôi không xin giấy cấp phép. 

Ông Lò Văn Yến, thị trấn Nông trường Mộc Châu xây dựng nhà lán và công trình phụ trên đất nông nghiệp.

Tại Kết luận thanh tra số 126/KL-UBND ngày 9/11/2022 của UBND tỉnh Sơn La việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất của Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu chỉ rõ việc gia đình ông Lò Văn Yến tự ý xây dựng lán, trại trên đất nông nghiệp của Nhà nước cho Công ty thuê là vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Cơ quan chức năng huyện Mộc Châu đã yêu cầu ông Lò Văn Yến tự khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, trả lại đất nông nghiệp cho Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu.

Trường hợp của bà Gấm và ông Yến chỉ là 2 trong số rất nhiều hộ gia đình qua rà soát, phân loại sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường sai mục đích. Đây là một trong những khó khăn nhất trong việc giải quyết những tồn tại sau bàn giao đất có nguồn gốc nông, lâm trường cho địa phương quản lý.

Chồng chéo trong quản lý

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Khi thành lập, giao đất cho các nông, lâm trường, đất đai không được đo đạc, cắm mốc, phân định ranh giới rõ ràng; khoanh cả các khu dân cư hiện có vào đất của nông, lâm trường; các hộ dân đồng thời là nông trường viên… dẫn đến phần lớn diện tích đất các nông, lâm trường trả lại cho địa phương là diện tích đất các nông, lâm trường không quản lý từ trước, người dân đã sản xuất kinh doanh, sử dụng từ lâu đời.

Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thường xuyên thay đổi, dẫn đến việc áp dụng văn bản hướng dẫn lúng túng, chồng chéo. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính đất các nông, lâm trường mới chỉ đo đạc khoanh bao ranh giới các khu đất, do tỉnh Sơn La chưa có nguồn kinh phí thực hiện đo đạc chi tiết các loại đất của các nông, lâm trường. Do vậy, việc quản lý đất đai ở các công ty nông, lâm trường gặp nhiều khó khăn, nhất là việc giải quyết tranh chấp liên quan đến đất.

Tại huyện Mộc Châu có 5 công ty có nguồn gốc từ nông, lâm trường được UBND tỉnh thực hiện giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích trên 9.300 ha; trong đó, tổng diện tích đang thuê trên 2.400 ha, tổng diện tích trả lại cho địa phương quản lý trên 6.900 ha.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, thông tin: Huyện khó khăn trong giải quyết tồn tại diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường của Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu và Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu bàn giao cho huyện quản lý. Đơn cử, Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu từ năm 2006 đến nay thực hiện cổ phần hoá 100%, tổng diện tích đất nông nghiệp được cho thuê trên 622 ha. Hiện trạng sử dụng: 175 ha đang trồng chè; 47,7 ha trồng dâu; 0,2 ha đất ao; 399,6 ha trồng rau, củ, quả. Qua rà soát, Công ty chưa thực hiện quản lý có hiệu quả đối với 399,6 ha đất được cho thuê. Phần diện tích này, hiện nay các hộ dân, cá nhân đang trực tiếp sử dụng trồng rau, củ, quả và trồng cây hàng năm và chưa ký hợp đồng giao khoán với công ty. Trong khi toàn bộ diện tích đất này, công ty đang thực hiện thuê đất trả tiền hằng năm.

Khó khăn hơn trong việc quản lý với phần diện tích đất Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu bàn giao về cho huyện Mộc Châu quản lý, đó là tài sản trên đất đã có trước thời điểm Công ty được Nhà nước cho thuê đất. Công ty đã không quản lý phần diện tích đất này khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất dẫn đến việc trên 1 thửa đất, người đang sử dụng đất không phải là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Hiện nay, Công ty CP chè Cờ Đỏ Mộc Châu đang mong muốn thực hiện quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh đối với phần diện tích 399,6 ha này bằng hình thức sản xuất tập trung, thu lại diện tích đất được thuê và thuê lại các hộ gia đình, cá nhân sản xuất cho Công ty.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Kim Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu, cho biết: Số hộ đang sử dụng đất của công ty khá lớn, nếu để một mình công ty tổ chức việc cắm mốc phân định ranh giới, đo vẽ chi tiết từng lô, thửa và tổ chức ký hợp đồng sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật là rất khó khăn. Bởi, công ty đã cắm mốc, đo vẽ chi tiết đến từng lô, thửa, xong người dân không hợp tác. Nếu vẫn tiến hành theo quy định, có thể dẫn đến tranh chấp, xung đột giữa người dân với công ty, làm ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Lãnh đạo huyện Mai Sơn và Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện đánh giá việc sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Còn huyện Mai Sơn, từ năm 2014-2019, UBND tỉnh thu hồi một phần diện tích đất của Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung và Công ty TNHH Nông nghiệp Tô Hiệu - Sơn La bàn giao cho địa phương quản lý thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn, tổng diện tích trên 1.380 ha.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, chia sẻ: Qua đo đạc, kiểm đếm, nhiều trường hợp “mua đi, bán lại”, nhiều trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Năm 2022, huyện thành lập tổ công tác đánh giá lại việc sử dụng đất, phát hiện có 12.097/39.000 hộ vi phạm, trong đó đã rà soát những trường hợp xây dựng làm nhà trước ngày 1/7/2014.  

Như vậy, qua thời gian sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường chỉ thay đổi về tên chứ phương thức sản xuất, mô hình quản trị không thay đổi dẫn đến hoạt động hiệu quả không cao; chưa lập phương án sử dụng đất. Do đó, đất bị lấn chiếm, không có phương án sản xuất cụ thể. Các công ty nông, lâm nghiệp cổ phần hoá, diện tích đất quản lý, sử dụng rất lớn nhưng không có phương án sử dụng đất, không có dự án đầu tư, không rõ mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện ...

Đối với đất bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng, số liệu chủ yếu đo đạc khoanh bao ranh giới, lập bản đồ tỷ lệ 1/10.000, chưa thực hiện đo đạc chi tiết diện tích các loại đất bên trong. Trên phần đất trả về địa phương chủ yếu của người dân nhận khoán, nay đã tạo lập nhiều công trình trái phép, như: nhà ở, công trình công cộng, chuồng trại, nhà kho, nhiều công trình được xây dựng sau ngày 1/7/2014 và trồng cây lâu năm.

Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

 Theo ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Khi cổ phần hoá các công ty nông, lâm nghiệp không lập phương án sử dụng đất. Đối với phần diện tích đất bàn giao về cho địa phương phần lớn là đất trước đây nông trường, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn chiếm, đang có tranh chấp... không quản lý được (không phải là đất sạch) nên khó khăn khi xác định đối tượng, diện tích để giao, cho thuê; nhiều trường hợp thực hiện mua bán, chuyển nhượng, tặng cho phi chính thức. Từ đó, việc thu hồi đất của đối tượng này để phân bổ lại ưu tiên đối tượng sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ rất khó khăn, phức tạp. Cộng thêm, diện tích đất trả về địa phương là đất nằm trong khu vực đô thị, quy hoạch phát triển đô thị, khu du lịch... có giá trị lớn. Do vậy, khi thu hồi liên quan đến quyền lợi người sử dụng đất, tất yếu phát sinh khiếu kiện phức tạp. Cùng với đó, nhiều công ty nông, lâm nghiệp chưa có cán bộ chuyên ngành, việc quản lý hồ sơ đất đai hạn chế, bộ máy tổ chức thay đổi, dẫn đến việc bàn giao không đầy đủ hoặc không bàn giao.

Cán bộ Phòng Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát bản đồ đất đai.

Thông tin từ lãnh đạo Công ty CP chè Cờ đỏ Mộc Châu, diện tích đất nông nghiệp công ty đang thuê khoán, thời gian gần đây một số hộ dân đã cố tình chặt, phá cây chè, cây dâu, lấn chiếm đất trồng chè, dâu và xây dựng trái phép vào đất nông nghiệp của công ty. Một số đơn vị Cờ Đỏ, đơn vị Tà Lọong, đơn vị 9 và nhiều hộ dân ở các đơn vị còn lại từ năm 2016 đến nay sử dụng đất của công ty nhưng cố tình không nộp tiền nghĩa vụ sử dụng đất. Trong khi đó, hằng năm, công ty đều phải tự bỏ tiền ra nộp tiền thuê đất, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền các hộ đang nợ công ty trên 9,5 tỷ đồng.

Những khó khăn trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường đã được các công ty, địa phương kiến nghị với tỉnh và tỉnh đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiều lần bằng văn bản và làm việc trực tiếp. Những khó khăn do lịch sử quản lý đất đai để lại, cơ chế, chính sách liên tục thay đổi, cộng với việc quản lý, phương thức giao khoán của các công ty nông, lâm trường chưa chặt chẽ… dẫn đến tồn tại đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh đến nay chưa được giải quyết. 

(Còn nữa)

Minh Thu - Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới