Phát triển chuỗi liên kết sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm là xu hướng bền vững, được tỉnh Sơn La quan tâm triển khai trong nhiều năm qua. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số chuỗi liên kết hiệu quả, như: Chuỗi liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè, mía đường, cà phê…

UBND huyện Mộc Châu tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình sản xuất ngô sinh khối.

Nhiều năm gắn bó, dành nhiều tâm huyết với nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, nổi bật là chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, đưa Sơn La trở thành "hiện tượng nông nghiệp" của cả nước, đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, có nhiều kinh nghiệm chỉ đạo xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững. 

Đồng chí Hoàng Văn Chất chia sẻ: Tôi đã tư vấn cho huyện Mộc Châu xây dựng chuỗi ngô sinh khối; giới thiệu Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam tham gia chuỗi liên kết để liên thông từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị bền vững, gia tăng giá trị cây ngô, nâng cao đời sống của nhân dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Tân Hợp là xã đặc biệt khó khăn với hơn 95% là đồng bào dân tộc Mường, có 4 bản tái định cư thủy điện Hòa Bình di chuyển từ huyện Phù Yên đến. Đầu năm 2023, Thường trực Huyện ủy Mộc Châu đã ban hành thông báo kết luận về triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng ngô sinh khối ứng dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn xã và hỗ trợ cày lật đất 3 triệu đồng/ha từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, để hỗ trợ nhân dân cải tạo diện tích đất bạc màu thực hiện triển khai mô hình điểm; hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây ngô sinh khối đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chỉ đạo thành lập tổ công tác của huyện chỉ đạo phát triển vùng nguyên liệu ngô sinh khối; thành lập Tổ hợp tác theo từng bản nhằm liên kết các hộ gia đình tham gia triển khai mô hình, ứng dụng khoa học kỸ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo triển khai ký kết hợp đồng giữa công ty với các hộ dân vùng triển khai mô hình trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Tân Hợp. Đảng ủy xã Tân Hợp chỉ đạo thành lập tổ tuyên truyền triển khai mô hình trồng ngô sinh khối trên địa bàn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Ký cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu và Chủ tịch UBND các xã về thực hiện kế hoạch trồng ngô sinh khối năm 2024.

Hội Nông dân huyện, Hội Phụ nữ huyện tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân, phụ nữ phát triển trồng cây ngô sinh khối theo kế hoạch của UBND các xã, cụ thể với từng bản. Đảng bộ các xã ban hành nghị quyết lãnh đạo phát triển ngô sinh khối trên địa bàn năm 2024, trong đó xác định cụ thể từng bản, từng khu vực, diện tích đảm bảo điều kiện cho phát triển ngô sinh khối. Chỉ đạo UBND xã xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển ngô sinh khối năm 2024; xây dựng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối bền vững; làm việc với Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu để khâu nối, ký hợp đồng liên kết giữa hợp tác xã với Công ty và các hộ chăn nuôi bò sữa.

Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu kiểm tra mô hình trồng ngô sinh khối tại xã Đông Sang.

Mô hình trồng ngô sinh khối năm 2023 được triển khai thí điểm ở bản Nà Sánh và Nà Mường, xã Tân Hợp, với 47 hộ tham gia, diện tích trồng gần 35 ha. Trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ gần 80 triệu đồng; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu hỗ trợ 207 tấn phân bón, Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam ứng trước giống, vật tư, hỗ trợ nhân công và máy bay phun phòng trừ sâu keo mùa thu, mô hình cho tín hiệu rất khả quan.

Ông Đinh Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, thông tin: Mô hình năm 2023 tại xã cho thấy, cây ngô sinh khối có thể trồng 2 vụ/năm; thu lãi cao hơn 6 triệu đồng/ha so với trồng ngô lấy hạt.

Ngô sinh khối được thu hoạch và sơ chế ngay tại vườn

Năm 2024, huyện Mộc Châu phát triển vùng trồng 2.100 ha cây ngô sinh khối, sản lượng vụ xuân khoảng 100.000 tấn. Huyện hỗ trợ xây dựng mô hình trồng ngô sinh khối trên đất nương tại 7 xã, gồm: Hua Păng, Nà Mường, Tà Lại, Tân Hợp, Quy Hướng, Lóng Sập, Chiềng Khừa, mỗi xã hỗ trợ xây dựng mô hình 10 ha, mức hỗ trợ cày lật đất 3 triệu đồng/ha để giúp một số hộ gia đình thâm canh, tăng năng suất nhằm tuyên truyền, vận động nhân diện trong những năm sau. Đồng thời, xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối bền vững với sự tham gia của các HTX và trên 510 hộ chăn nuôi bò sữa, góp phần thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, hình thành vùng nguyên liệu mang tính ổn định, trên cơ sở đó hình thành chuỗi giá trị giữa trồng - thu mua - chế biến - tiêu thụ đảm bảo bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trong quá trình triển khai, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị tích cực vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển vùng trồng ngô sinh khối gắn với chuỗi liên kết.

Qua đánh giá, các mô hình cho kết quả tích cực. Mô hình năm 2023 tại xã Tân Hợp với quy mô 35 ha; năng suất cao hơn trên 6 tấn/2vụ so với ngoài mô hình. Mô hình trồng ngô sinh khối ở các xã năm 2024, do thời tiết thuận lợi và thực hiện đúng kỹ thuật nên bình quân đạt trên 40 tấn/ha. Bà con nông dân phấn khởi khi trồng ngô sinh khối có thu nhập cao hơn so với trồng ngô truyền thống.

Gia đình anh Lưu Thế Hải, tiểu khu 4, xã Chiềng Sơn, được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô quốc gia hỗ trợ về giống và kỹ thuật trồng thí điểm 2.000 m2 ngô sinh khối giống ngô DH 17-5. Đây là giống mới có ưu điểm cây to, bộ lá xanh bền, khả năng thích ứng rộng. Ngô được trồng lấy thân, lá, bắp non làm thức ăn thô xanh cho gia súc. Thời gian sinh trưởng của ngô sinh khối khoảng 80-90 ngày, năng suất đạt 40-50 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 70- 80 tấn/ha. Anh Hải cho hay: Năm đầu tiên, gia đình trồng ngô sinh khối với giống ngô DH 17-5, tuy thời tiết bị hạn đầu vụ nhưng cây ngô sinh trưởng tốt. Sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc, gia đình thu hoạch hơn 20 tấn cây ngô, bán được trên 20 triệu đồng.

Xã Đông Sang là vùng có nhiều cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như rau, hoa, dâu tây… nhưng trồng cây ngô sinh khối cũng chứng tỏ giá trị cao ở những vùng các loại cây rau màu không trồng được. Bà Vì Thị Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sang, chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Huyện ủy về phát triển ngô sinh khối năm 2024, xã Đông Sang đã vận động, hướng dẫn nông dân trồng 210 ha; năng suất ngô sinh khối đạt 55 tấn/ha, bán được giá từ 1.000 - 1.100 đồng/kg.

 Đảm bảo thức ăn cho đàn bò sữa nhờ liên kết theo chuỗi.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Mộc Châu làm trung tâm xây dựng chuỗi liên kết. Đảm bảo có lợi cho tất cả các bên tham gia chuỗi, huyện đã trao đổi và Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu ban hành văn bản giá mua cây ngô đứng tại đồng ruộng của các hộ tối thiểu là 950 đồng/kg ở vùng xa; vùng gần có thể bán được 1.100-1.200 đồng/kg. Hộ chăn nuôi bò sữa mua tại trại chăn nuôi giá ổn định từ 1.600 -1.700 đồng/kg. Người trồng ngô sinh khối không phải thu hoạch mà đơn vị dịch vụ mua cây ngô đứng thuê nhân công chặt, máy thái băm, vận chuyển với chi phí 650 đồng/kg đồng. Năm 2024, Công ty cổ phần Ngô sinh khối Việt Nam đã đưa máy liên hoàn thu hoạch vào thực hiện tại xã Tân Hợp từ khâu chặt đến đóng bao.

Cán bộ Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu kiểm tra việc sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn cho đàn bò sữa

(Còn nữa)

Tác giả: Phạm Đức - Việt Anh - Duy Tùng

Thiết kế: Bảo Khánh

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Bạn có thể quan tâm