Việt Nam nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người

Tuy phải chịu áp lực lớn về nạn mua bán người, nhưng Việt Nam đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Các đại biểu cam kết chung tay phòng, chống mua bán người tại sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người do Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7. Ảnh: bocongan.gov.vn

Báo cáo về nạn buôn người năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 1/7 cho biết gần 25 triệu người trên thế giới là nạn nhân của buôn người, nhiều trong số này bị cưỡng ép lao động tình dục, nhiều người khác bị buộc phải làm việc trong các nhà máy hoặc công trường, hoặc phải tham gia các nhóm vũ trang. Báo cáo cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 đã tạo ra các điều kiện làm tăng số người dễ bị tổn thương với hoạt động tội phạm này, đồng thời làm ngắt quãng các nỗ lực can thiệp chống buôn người hiện nay hoặc đã lên kế hoạch vì các chính phủ trên khắp thế giới phải chuyển các nguồn lực sẵn có cho công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, những kẻ buôn người đã thích nghi nhanh chóng và lợi dụng những lỗ hổng trong đại dịch để phạm tội.  

Việt Nam nằm trong khu vực điểm "nóng" về tình trạng mua bán người. Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Theo TTXVN, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Nạn buôn bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê....

Tuy phải chịu áp lực rất lớn về nạn mua bán người, nhưng nước ta đã có rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Chúng ta đã triển khai Chương trình 130/CP (Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ) và Luật Phòng, chống mua bán người. Triển khai Chương trình130/CP giai đoạn 2016-2020 và Luật Phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP). Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành các kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức tổng điều tra, rà soát tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan theo từng giai đoạn và hằng năm, được cập nhật, bổ sung số liệu kịp thời.

Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 27/11/2015 đã được Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 thông qua ngày 20/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 với điều 150, 151 quy định cụ thể về tội mua bán người. Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể về áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép và mua bán người và đã ban hành, triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương này. Ngày 20/03/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 402/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp an toàn và trật tự của Liên hợp quốc, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Bảo đảm các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hiện nay Việt Nam là thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP), Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC.

Trong hợp tác song phương, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái, Trung Quốc và Anh về phòng, chống mua bán người, trong đó duy trì họp thường niên với cơ quan thực hiện hiệp định, phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Việt Nam cũng đang thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Chương trình ASEAN-ACT do Chính phủ Australia tài trợ. Ngoài ra, Việt Nam thường xuyên trao đổi về chủ trương, thành tựu của Việt Nam trong phòng chống mua bán người tại Đối thoại nhân quyền với EU, Australia... cũng như các buổi làm việc định kỳ với một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội.

Theo thông tin của Bộ Công an công bố ngày 29/10, Thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Bộ Công an đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ ngày 1/7 - 30/9/2021) trên toàn quốc. Qua đó phát hiện, điều tra, khám phá 35 chuyên án, vụ án/47 đối tượng, tăng 21% số vụ so với năm 2020; tỷ lệ điều tra khám phá đạt trên 88%; tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ 29 nạn nhân. Điều tra khám phá kịp thời các đường dây tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện hiệu quả đợt cao điểm như: Cục Cảnh sát hình sự, Phú Thọ, Nam Định, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn…

Bộ Công an nhận định, do tác động của dịch bệnh và việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tội phạm mua bán người chuyển hướng hoạt động chủ yếu trong nội địa, liên tuyến, liên tỉnh. Phương thức, thủ đoạn phạm tội chủ yếu là các đối tượng câu kết, hình thành đường dây mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi; lợi dụng mạng xã hội để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao nhất là giới thiệu “đồng hương” sau đó lừa bán ra nước ngoài hoặc bán sang địa phương khác. 

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới