Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày 15 và 16/11.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội sáng 17/11.
Trước khi trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo trước Quốc hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội thảo luận thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm về các báo cáo của Chính phủ và thông qua các Nghị quyết như: Về dự toán ngân sách, đầu tư công trung hạn, tài chính 5 năm...
Nợ xấu còn cao, xử lý chưa thực chất và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Báo cáo của Thủ tướng nêu rõ, trong những tháng qua, với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, Nghị quyết của Quốc hội, khắc phục yếu kém, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, cải cách thủ tục hành chính, trật tự an toàn xã hội… Những kết quả điều hành kinh tế - xã hội đạt được đến thời điểm này, Thủ tướng khẳng định cả nước đã cơ bản đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016.
Cùng với đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành; siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống lợi ích nhóm (nhất là trong cổ phần hoá); đầu tư công; tăng cường phòng chống tham nhũng… Với phương châm nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và của cơ quan cấp trên, người đứng đầu từ trung ương đến địa phương.
Tại kỳ họp này, Đại biểu có nhiều câu hỏi chất vấn các thành viên Chính phủ. Chính phủ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu và nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.
Thủ tướng cũng báo cáo về một số vấn đề cụ thể đặt ra thời gian qua. Trước hết, về nợ công, Thủ tướng khẳng định, đó là vấn đề hệ trọng đối với kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Có nhiều ý kiến cho rằng, nợ công tăng nhanh, nếu tính đầy đủ đã vượt trần cho phép. Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, tập trung rà soát các dự án sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ.
Về nợ xấu, Thủ tướng xác nhận ý kiến nhiều Đại biểu Quốc hội phân tích là nợ xấu còn cao, xử lý chưa thực chất và còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nói về năng lực của VAMC (Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng), Thủ tướng khái quát là còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nợ được xử lý qua công ty mua bán nợ này rất thấp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường tiềm lực tài chính cho VAMC. Vấn đề khác là tập trung xử lý các ngân hàng thương mại đã mua lại 0 đồng và giám sát đặc biệt trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, giảm thiểu rủi ro và an toàn hệ thống.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng báo cáo, kết quả chưa được như mong muốn, dù số lượng doanh nghiệp đã giảm mạnh nhưng tỷ lệ vốn bán ra mới đạt khoảng 8%. Thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường; thực hiện công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Thoái hết vốn nhà nước tại những doanh nghiệp không cần nắm giữ.
Đề cập những dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, thua lỗ lớn, phải dừng hoạt động, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra các dự án này để có biện pháp giải quyết, thu hồi tối đa vốn, tài sản nhà nước và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.
Về phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng cho biết đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác này nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Như các vị Đại biểu Quốc hội và cử tri đã nêu, tham nhũng còn phổ biến và nghiêm trọng.
Loại bỏ ngay những cán bộ hư hỏng, thoái hoá ra khỏi bộ máy
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) là người đầu tiên nêu câu hỏi chất vấn. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm mà Thủ tướng đặt ra nhưng cho rằng, dư luận vẫn bất bình với việc kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, một bộ phận cán bộ tha hoá, biến chất, trong đó có người ở cương vị lãnh đạo quản lý. Thủ tướng có quyết tâm quyết liệt chấn chỉnh thực trạng trên và giải pháp nào?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thái Học, Thủ tướng cho biết, đang nỗ lực cùng hệ thống chính trị xử lý quyết liệt tình trạng tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin cho toàn dân, toàn quân trong chống tham nhũng, tiêu cực. Vì nhân dân mà loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hoá ra khỏi bộ máy. Đây là yêu cầu cấp bách nên cần có biện pháp cách thức cụ thể trong Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng cho biết vừa ký Chỉ thị mới nhất về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Giải pháp thứ hai là giáo dục ,rèn luyện đạo đức cho cán bộ đi liền với việc xử lý nghiêm khắc cá nhân, tập thể vi phạm. Đó là hình thức pháp trị cần thiết trong tình hình hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Cùng với đó là công khai minh bạch, quyền lực phải được kiểm soát. Có cơ chế quản lý hạn chế thấp nhất tình trạng xin-cho, nhất là liên quan đến tài chính, ngân sách, tài nguyên,
“Trong tình hình hiện nay, tiếp tục cải cách tiền lương với cán bộ, công chức đi liền với cải cách bộ máy là giải pháp để tăng cường kỷ cương, chống thoái hóa cán bộ. Chính phủ thực hiện giải pháp này với quyết tâm lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) về giải pháp đột phá của Thủ tướng để giải quyết tái cấu trúc nợ xấu và ngân hàng yếu kém hiện nay, Thủ tướng cho biết: Vấn đề nợ xấu hiện nay theo sổ sách kế toán chưa đầy đủ, đây là bài toán đặt ra cho nền kinh tế. Về xử lý nợ xấu, bên cạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý cho VAMC, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ không để phát sinh nợ xấu mới; minh bạch trong giải quyết nợ xấu. Cùng với đó có biện pháp đồng bộ hơn để nợ xấu được minh bạch, được giải quyết trong điều hành kinh tế để giảm dần. Chính phủ đang xây dựng đề án toàn diện xử lý nợ xấu, để làm “cục máu đông” này nhỏ đi, để điều hành nền kinh tế an toàn hơn.
Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về giải pháp của Thủ tướng để phát triển du lịch của Việt Nam?, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, du lịch có tiềm năng rất lớn. Muốn trở thành mũi nhọn, đóng góp của du lịch phải từ 7-10% GDP. Tuy nhiên, hiện du lịch mới chỉ có 7,5 triệu khách, so với các nước trong khu vực còn rất thấp. Về biện pháp để phát triển du lịch thì phải có cộng đồng văn minh làm du lịch, Thứ hai là có thương hiệu du lịch lớn. Thứ ba là có thể chế tốt trong ưu tiên phát triển du lịch, có công tác xúc tiến quảng bá. Nhân lực làm du lịch là yêu cầu cần thiết trong điều kiện du khách đa dạng như hiện nay.
Không dùng tiền thuế của dân để bù cho các dự án thua lỗ
Trả lời các chất vấn của Đại biểu Quốc hội về những biện pháp nâng cao thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là yêu cầu quan trọng để nâng cao nhà nước pháp quyền. Chính phủ thời gian qua đã dành thời gian cần thiết để xây dựng thể chế và lần đầu tiên đã thanh toán tình trạng nợ nghị định hướng dẫn thi hành luật. Để luật đi vào cuộc sống, Thủ tướng cho rằng phải tuyên truyền luật đến nhân dân bằng những biện pháp thích hợp.
Đề cập vai trò của Tây Nguyên, Thủ tướng khẳng định vị trí “mái nhà Đông Dương” của khu vực này. Phát triển Tây Nguyên rất quan trọng để các đồng bào dân tộc khu vực này có cuộc sống tương xứng hơn ở vùng đất đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức này.
Vấn đề sử dụng tài sản công sử dụng lãng phí, kém hiệu quả do Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đề cập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xác nhận việc sử dụng tài sản công từ đất đai đến xe cộ, trụ sở còn nhiều hạn chế, còn lãng phí. Chính phủ đã có Chỉ thị và đang thảo luận nội dung luật về vấn đề này. Giải pháp trước mắt là có hệ thống tiêu chuẩn định mức công bố công khai để người dân biết, theo dõi. Biện pháp khoán xe, khoán nhà cũng là một khâu yếu cần quyết liệt thực hiện. Và điều quan trọng nhất là đơn vị nào, cơ quan nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước nhân dân. Việc giám sát của cơ quan dân cử cũng rất quan trọng. Đây là khâu yếu nên cần quan tâm nhằm đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Vấn đề xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ, Thủ tướng khẳng định không dùng tiền thuế của dân để bù lỗ cho các dự án này. Không thể tiếp tục dùng ngân sách tiếp tục bỏ vào đây cho những dự án, doanh nghiệp thua lỗ. Còn việc giải quyết, thời gian tới, với tinh thần cắt lỗ, sử dụng hiệu quả có thể bán khoán, cho thuê, thậm chí phá sản để giảm thua lỗ, không tạo gánh nặng của nền kinh tế. Với từng dự án, Thủ tướng cho biết đã có kế hoạch với từng trường hợp cụ thể để thu hồi tiền nhà nước tối đa và báo cáo kết quả xử lý dự án này với Quốc hội thời gian tới.
Về sự kết nối khu vực kinh tế FDI và kinh tế tư nhân trong nước, Thủ tướng vạch chương trình tái đầu tư FDI, chọn những doanh nghiệp có lợi cho nền kinh tế, tránh tình trạng mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề đều là doanh nghiệp FDI vào nắm giữ hết.
Còn về website Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng thông tin vừa qua đã có 87 đề nghị từ doanh nghiệp thông qua công cụ này, trong đó Chính phủ trực tiếp xử lý 15 đề nghị, còn lại chuyển cho các địa phương, cơ quan liên quan. Thủ tướng kỳ vọng làm sao giải quyết được kịp thời mọi khúc mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Đánh giá về phẩm chất trí tuệ, năng lực, tiềm năng của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng nói, Chính phủ mới đi vào vận hành chưa được 7 tháng. "5 ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng tinh thần là phải hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ như trên một bàn tay để cùng hành động, làm việc".
Thủ tướng khẳng định tinh thần đoàn kết là điểm cốt yếu, quan trọng. Theo đó, mỗi thành viên Chính phủ đều phải hành động theo tinh thần liêm chính, kiến tạo, phục vụ. “Với sự lãnh đạo của Thủ tướng, tôi tin các thành viên Chính phủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó” – Thủ tướng nói.
Về tình hình chính trị mới ở Mỹ, Thủ tướng khẳng định vẫn tiếp tục chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ tình thế cũng như độc lập, tự chủ trong mọi mối quan hệ. Thủ tướng khẳng định tin tưởng Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển quan hệ tốt đẹp vì lợi ích chung của hai nước.
Với câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) về giải pháp nào để đảm bảo nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập sâu rộng?, Thủ tướng cho biết, nền kinh tế Việt Nam quy mô còn rất nhỏ, mới hơn 200 tỷ USD/năm. Vậy nên dù khó khăn, cần đặt mục tiêu phát triển, tăng trưởng 6,7% để tiếp tục vươn lên. Việt Nam sẽ cố gắng bám theo các thành tố GDP như: Chi tiêu Chính phủ phải giảm, đầu tư cho phát triển phải tăng lên, huy động toàn diện các nguồn vốn xã hội cho phát triển...
Vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập sâu rộng, Thủ tướng khẳng định: Hội nhập sâu rộng nhưng độc lập tự chủ nền kinh tế là vấn đề mà các quốc gia cũng như Việt Nam luôn đặt ra. Đó là trước hết không phụ thuộc một thị trường, một đối tác. Trên tinh thần như vậy, chúng ta có nhiều biện pháp để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, trong đó có tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng thể chế, phát triển thế mạnh của Việt Nam (nông nghiệp, du lịch,..), mở rộng thị trường để không bị phụ thuộc...
Giải pháp nào để bổ nhiệm được người tài?
Đề cập đến câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu: Hiện nhiều cử tri cho rằng, quy trình bổ nhiệm không còn phù hợp, không còn đúng nữa, giải pháp của Thủ tướng để bổ nhiệm được người tài?, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Quy trình bổ nhiệm cán bộ đã xây dựng, triển khai và mang lại hiệu quả. Sắp tới đây, Bộ Nội vụ cùng Ban Tổ chức Trung ương sẽ bổ sung để có quy trình minh bạch, để phát hiện cán bộ từ cơ sở. Đẩy mạnh tính cạnh tranh lành mạnh của công tác cán bộ như qua thi cử, hợp đồng có thời hạn, bầu có số dư, quy hoạch thực chất hơn và đánh giá cán bộ chặt chẽ hơn. Với các giải pháp như thế thì công tác cán bộ sắp tới sẽ tốt hơn, bởi cái gốc là vấn đề cán bộ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề tự chủ nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam sẽ chú trọng phát triển những doanh nghiệp nội lớn với thương hiệu mạnh.
Riêng về ngành nông nghiệp, đây được xác định là một lợi thế so sánh lớn mà không phải quốc gia nào cũng có được. Để phát triển nông nghiệp quy mô lớn thì rào cản trước hết cần tháo gỡ là vấn đề hạn điền để tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghiệp. Sau nữa, Thủ tướng đề cập vấn đề đầu tư công nghệ, vốn cho sản xuất nông nghiệp. Nếu có một nền tài chính tốt có thể giải quyết vấn đề trong thời gian tới. “Quan trọng nhất là phải tái cơ cấu nông nghiệp để tạo sản phẩm lợi thế so sánh ở mỗi địa phương cụ thể” – Thủ tướng nói.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng nhắc đến kết quả vượt 9 bậc trên bảng xếp hạng quốc tế, nhất là về các tiêu chí như: Nộp thuế, tiếp cận đất đai, điện, thủ tục hải quan… “Như vậy là có sự tiến bộ, dù chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa” – Thủ tướng đáp lại câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).
Hiện trong ASEAN, môi trường cạnh tranh của Việt Nam đang được xếp thứ 5 và Chính phủ sẽ nỗ lực, quyết tâm để bước vào Top 4 trong năm 2017. Trao đổi thêm về cộng đồng ASEAN, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã cùng nỗ lực xây dựng cộng đồng chung một cách tích cực. Kết quả thu hút đầu tư cũng tăng lên nhưng chưa tương xứng. Đây là khu vực thị trường rộng lớn thứ 3 trên thế giới trong khi các thị trường khác xuất khẩu của Việt Nam tăng, riêng tại ASEAN lại giảm. Theo ý kiến Thủ tướng, đó là vấn đề cần quan tâm./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!