Chiều 20/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu ý kiến.
Luật trợ giúp pháp lý quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động trợ giúp pháp lý.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội khóa XI thông qua Luật trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.
Trong 09 năm triển khai thi hành Luật trợ giúp pháp lý, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2007 đến hết năm 2015, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã giải quyết hơn 1 triệu vụ việc với 1,13 triệu lượt người được trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hoạt động trợ giúp pháp lý đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: diện người được trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ; hoạt động trợ giúp pháp lý với bản chất là giúp đỡ các đối tượng yếu thế giải quyết các vụ việc cụ thể khi họ phải đối mặt với pháp luật chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, chưa chuyên nghiệp; tổ chức bộ máy trợ giúp pháp lý còn cồng kềnh, hiệu quả xã hội hóa còn hạn chế… Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 thì việc nghiên cứu, sửa đổi Luật trợ giúp pháp lý là cần thiết.
Theo Điều 7, dự thảo Luật quy định, người được trợ giúp pháp lý là những người thuộc hộ nghèo; Người có công với cách mạng; Người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn bị buộc tội; Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; Trẻ em bị buộc tội; Nạn nhân trong vụ việc mua bán người hoặc vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn.
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành với việc mở rộng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và cho rằng, quy định về đối tượng được trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật là chưa đầy đủ, không thống nhất và thực chất là thu hẹp hơn đối tượng được trợ giúp pháp lý so với các luật hiện hành.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh đối với cả những đối tượng đang được trợ giúp pháp lý theo các văn bản dưới luật hiện nay (như: người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa; người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, người làm chứng), tránh việc bỏ chính sách trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng yếu thế này gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đối tượng được trợ giúp pháp lý liệt kê trong dự thảo tương đối đầy đủ nhưng không phải tất cả 8 đối tượng này đều thực sự khó khăn về tài chính hay có những khó khăn không thể tự mình giải quyết được. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần bổ sung thêm quy định các đối tượng phải thực sự khó khăn về tài chính hoặc có những khó khăn không thể tự mình giải quyết được thì sẽ được trợ giúp pháp lý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc lựa chọn những người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 đã có sự cân nhắc kỹ về định hướng quy định đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý, phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trên cơ sở cân đối nguồn nhân lực và ngân sách, có tính toán đến nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý để bảo đảm tính khả thi của pháp luật khi được ban hành và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Liên quan đến quy định về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, một số ý kiến cho hay, thực tế cho thấy, vụ việc trợ giúp pháp lý không chỉ phát sinh ở các trung tâm nơi có đông số lượng luật sư, tư vấn viên pháp luật mà còn phát sinh ở những vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế. Nếu không còn chế định cộng tác viên thì hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người dân ở những vùng này sẽ rất khó khăn.
Do vậy, để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, cần tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động này không chỉ bằng nguồn lực của họ mà bằng cả nguồn lực của Nhà nước, san sẻ trách nhiệm của Nhà nước với xã hội. Cách làm này thực tế đang được thực hiện, một mặt vừa tận dụng được trí tuệ, trình độ và nguồn lực trong xã hội, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về tổ chức, biên chế, ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ và chi phí hành chính.../.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!