Quản lý chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo thống kê của ngành Xây dựng, giai đoạn 2010-2015, nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh là 22,5 triệu m3 đá, 5,5 triệu m3 cát; giai đoạn 2016-2020 sẽ cần khoảng 45 triệu m3 đá và 5,5 triệu m3 cát để phục vụ xây dựng các công trình.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Mã tại xã Chiềng Khương (Sông Mã).

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản, năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020. Qua đó, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu trong công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đến nay, tỉnh ta đã cấp 41 giấy phép thăm dò khoáng sản, trong đó, 34 giấy phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cấp 26 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó, 18 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đã phát hiện một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các cam kết trong dự án đầu tư, vi phạm pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản, chưa thực hiện đầy đủ nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng khai thác đá, cát trái phép diễn biến phức tạp tại địa bàn một số huyện, như: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu và Sông Mã, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch còn nhiều hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác, quản lý giá khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng có thời gian dài trên địa bàn tỉnh khan hiếm cát, đá phục vụ xây dựng. Theo thống kê của ngành Xây dựng, chi phí về vật liệu xây dựng chiếm khoảng 75% đối với các công trình dân dụng, 70% đối với các công trình giao thông và 50% đối với các công trình thủy lợi. Do đó, khi vật liệu xây dựng trên thị trường khan hiếm, giá bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, tiến độ của nhiều công trình.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, những năm qua, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng. Riêng cát xây dựng, các dự án vẫn phải nhập từ Hòa Bình và Phú Thọ, trong khi đó, trữ lượng cát trên địa bàn khá lớn, chủ yếu tập trung trên sông Mã. Trên địa bàn huyện Sông Mã hiện có 76 điểm đang khai thác cát đều là trái phép, tổng khối lượng trên 5.300 m3/năm, chủ yếu khai thác bằng phương tiện thô sơ, gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự và thất thu ngân sách Nhà nước. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, mặc dù biết các hộ dân khai thác trái phép, nhưng việc xử phạt rất khó khăn.

Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn, hiện nay, Sở Xây dựng đang lập Dự án rà soát điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, rà soát nhu cầu thực tế, phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo việc đánh giá tiềm năng tài nguyên, chất lượng khoáng sản, hiện trạng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đề xuất các phương án khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản để làm cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Định hướng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch trong việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Sở Tài nguyên và Môi trường và các huyện tham mưu giải pháp quản lý, giải quyết dứt điểm các điểm khai thác nhỏ lẻ không bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, gây ô nhiễm môi trường; đề xuất giải pháp Nhà nước trích kinh phí từ ngân sách để thực hiện thăm dò các điểm mỏ, sau đó, tổ chức đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản. Rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực để thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường bàn giao cho địa phương quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới