Những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ công lý

Bảo vệ công lý là một nhiệm vụ chính trị - tư pháp của cả hệ thống chính trị nói chung và của các cơ quan tư pháp nói riêng, được hiến định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 nhằm xây dựng một đất nước, một xã hội dựa trên nền tảng trật tự, ổn định, hợp tác và đồng thuận.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Duy Linh).

Trong mỗi nhiệm kỳ hoạt động, trên cơ sở yêu cầu cải cách tư pháp, thực tiễn kết quả công tác tư pháp và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội đều ban hành các Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, như Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019. Các nghị quyết này đã định hướng cho các hoạt động cơ bản của cả nền tư pháp trong từng giai đoạn, đồng thời cũng đặt ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong bảo vệ công lý, đặc biệt là các tỷ lệ về "thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố"; "điều tra khám phá các loại tội phạm trên tổng số án khởi tố"; "ra quyết định truy tố đúng thời hạn"; "kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận"; "tỷ lệ giải quyết án hình sự, án dân sự, án hành chính"; "tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan"; "thi hành án dân sự xong"…

Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai, cụ thể hóa thành hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ pháp lệnh, thống kê, thi đua của mỗi ngành, mỗi cấp.

Việc ban hành các chỉ tiêu, nhiệm vụ định hướng cho hoạt động tư pháp nêu trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thiết thực trong thời gian qua. Tội phạm được kiềm chế, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng cao, hạn chế oan sai, qua đó góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Có thể nói, công lý và bảo vệ công lý từ rất sớm đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng, khẳng định tính ưu việt của chế độ ta.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII vừa qua cũng tiếp tục khẳng định vai trò hàng đầu, xuyên suốt của nhiệm vụ này "Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân". Việc tiếp tục đặt ra các chỉ tiêu công lý trong thời gian tới là hết sức cần thiết, tạo ra những thách thức, áp lực tự hoàn thiện, vươn lên cho hoạt động tư pháp. Cùng với đó, để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu cấp bách của thực tiễn công tác tư pháp, các chỉ tiêu công lý hiện hành cần tiếp tục được tổng kết, nghiên cứu thấu đáo, khoa học và toàn diện hơn.

Bản chất của nền tư pháp luôn luôn là vấn đề công lý. Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, trọng tâm của các cuộc cải cách tư pháp năm 1950, năm 1960 đều khởi đầu bằng việc định hình lại các giá trị công lý trong một giai đoạn phát triển của đất nước, trên cơ sở đó thiết lập nên các thiết chế, công cụ pháp lý phù hợp để triển khai các giá trị đó.

Điển hình là sự hình thành nhận thức công lý nhân dân là "bảo vệ quyền lợi của nhân dân thông qua việc loại bỏ mọi hình thức bóc lột" năm 1950 đã dẫn đến sự ra đời của thiết chế Tòa án nhân dân và Hội thẩm nhân dân cho đến ngày nay. Do đó, về lý luận và lâu dài, Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn tới cần phải tiếp tục làm rõ, cụ thể và thống nhất khái niệm, nội hàm, hình thức biểu hiện và các tiêu chí đánh giá làm căn cứ xác định cụ thể các công cụ đo lường công lý trong hoạt động tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Từ góc độ yêu cầu thực tiễn, các chỉ tiêu công lý được giao cần tiếp tục hoàn thiện ở một số khía cạnh. Trước hết, cần chú trọng hơn các chỉ tiêu về công lý thủ tục, những tiêu chuẩn tối thiểu cho một quyết định công bằng, khách quan trong hoạt động tố tụng. Mặc dù công lý nội dung là chính xác, đúng người đúng tội nhưng những thiếu sót của các thủ tục tố tụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảm nhận và niềm tin công lý của người dân. Do đó, các chỉ tiêu về "Nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình", hay về "nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động điều tra, khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp, nhất là các thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh phục vụ công tác điều tra"... cần được thể hiện một cách hệ thống với một vị thế tương xứng hơn.

Ở một khía cạnh khác, công lý còn là yêu cầu sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các quyền tố tụng. Việc xác định các chỉ tiêu công lý hiện nay còn quá tập trung vào những chỉ tiêu về số lượng, tỷ lệ. Điều này, dễ dẫn đến nguy cơ là cơ quan tư pháp chỉ tập trung, ưu tiên nguồn lực hoàn thành các vụ việc có giá trị lớn để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm công tác.

Trong một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, các chỉ tiêu công lý cũng cần nghiêm túc tham khảo các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về mức tín nhiệm các nền kinh tế thế giới, Báo cáo chỉ số tiếp cận công lý và Báo cáo chỉ số pháp quyền của Dự án công lý thế giới.

Các tiêu chí phổ quát bao gồm: Khả năng tìm ra sự thật và tính chính xác của quyết định của tòa án; Thời gian tiếp cận công lý bảo đảm và Chi phí tài chính tiếp cận công lý hợp lý. Như vậy, các chỉ tiêu công lý hiện nay còn chưa thể hiện đầy đủ các chỉ tiêu về thời gian và chi phí, những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế như dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các chỉ tiêu công lý thời gian qua cũng cần được kịp thời tổng kết, đúc rút. Mục tiêu cuối cùng của chỉ tiêu công lý là bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân qua hoạt động tố tụng.

Cần nhận diện cho được những "lỗ hổng" và cân nhắc kỹ lưỡng việc duy trì cơ chế giao, đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu công lý theo năm công tác tư pháp. Các chỉ tiêu định lượng không nên quá cứng nhắc, duy ý chí dẫn đến hiện tượng đối phó thậm chí là gian dối số liệu. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tạo một quyền năng lớn hơn cho các cơ quan tư pháp tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu như kê khai tài sản, đăng ký đất đai… để phục vụ cho việc xác minh, truy tìm, thu hồi tài sản.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới