Một số nội dung về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13/11/2020. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, gồm 8 chương, 74 điều.

Những điểm mới của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài: Bổ sung người lao động giao kết hợp đồng sau khi xuất cảnh vào quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động và quy định về việc khai báo thông tin trực tuyến (Điều 54).

Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

a) Về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Một số bổ sung cụ thể gồm:

- Bổ sung quy định “doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động” (khoản 2 Điều 8).

- Sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (Luật số 72 quy định về người lãnh đạo điều hành hoạt động).

b) Về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép:

- Bỏ quy định đổi giấy phép khi thay đổi đăng ký kinh doanh (Điều 11 của Luật số 72).

Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động (Điều 18)

Luật bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng lao động. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường cung ứng lao động quốc tế. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động (khoản 2 Điều 18), cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn (khoản 3 Điều 18).

Nhóm nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài  phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động

- Sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ (Điều 23) để bảo đảm minh bạch và giảm thiểu chi phí cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bổ sung quy định về tiền dịch vụ: “Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” (khoản 3 Điều 23).

Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước

- Bổ sung quy định về “Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước” là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm hỗ trợ phát triển, ổn định và mở rộng thị trường; phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro đối với người lao động và doanh nghiệp; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (Điều 66).

- Bỏ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong nguồn hình thành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (Điều 68).

Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để:

+ Người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ vào việc đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực, uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ; yêu cầu về việc doanh nghiệp dịch vụ phải công bố công khai thông tin về điều kiện hoạt động, thị trường, điều kiện tuyển chọn.

+ Người lao động đi theo hình thức doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu được bảo vệ tốt hơn nhờ vào các quy định chặt chẽ về ký kết hợp đồng trúng thầu, nhận thầu, hợp đồng đào tạo nghề, các quy định về báo cáo và việc đảm bảo, quyền, lợi ích của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Mai Oanh (Sở Tư pháp)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới