1.1. Hiệu lực thi hành
Ngày 17/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội ban hành Luật số 62/2020/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 (viết tắt là Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 gồm có 3 điều: Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14; Điều 3: hiệu lực thi hành.
1.2. Một số điểm mới của Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020
- Thứ nhất, về khái niệm công trình xây dựng: Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã sắp xếp lại khái niệm công trình xây dựng, đồng thời bỏ quy định: Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác.
- Thứ hai, cơ quan chuyên môn về xây dựng: So với Luật 2014 thì Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 không nêu cụ thể tên cơ quan quản lý cho phù hợp với việc sắp xếp bộ máy của cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, bổ sung Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế là cơ quan chuyên môn về xây dựng.
- Thứ ba, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng: Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bỏ thẩm quyền của UBND cấp huyện trong việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu.
- Thứ tư, về các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng: Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung các chủ thể ở Trung ương quyết định đầu tư được miễn phép xây dựng; bổ sung trường hợp được miễn phép xây dựng gồm: Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ; quy định rõ hơn đối với công trình xây dựng ở nông thôn chỉ có công trình xây dựng cấp IV mới được miễn phép.
- Thứ năm, các loại giấy phép xây dựng: Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 kế thừa Luật Xây dựng 2014, tuy nhiên bổ sung thêm giấy phép xây dựng có thời hạn, cụ thể giấy phép xây dựng gồm: Giấy phép xây dựng mới; giấy phép sửa chữa, cải tạo; giấy phép di dời công trình; giấy phép xây dựng có thời hạn.
- Thứ sáu, điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn:
+ Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bổ sung ngoài thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, còn thuộc quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 bổ sung thêm điều kiện là phải: Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
+ Luật 2014 không quy định về hỗ trợ cho người được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn khi thực hiện phá dỡ công trình khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất. Luật 2020 đã bổ sung như sau: Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Thứ bảy, rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng: Luật 2014 quy định: Thời gian 30 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời. Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 rút ngắn thời gian xuống còn 20 ngày.
- Thứ tám, thẩm quyền cấp phép xây dựng của cấp huyện: So với Luật 2014 thì Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định chi tiết hơn về thẩm quyền của cấp huyện như sau: Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.
- Thứ chín, về phá dỡ công trình vi phạm
+ Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020 bổ sung một số trường hợp phá dỡ công trình như sau: Công trình phải phá dỡ khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
+ Về trình tự phá dỡ: Luật 2014 chỉ nêu việc phá dỡ thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được duyệt, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường. Không nêu cụ thể việc thẩm tra, phê duyệt tổ chức thực hiện. Luật 2020 đã quy định việc phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện theo trình tự.
Thu Thủy (Sở Tư pháp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!