Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, nếu chúng ta áp dụng đồng thời cả hai nguyên tắc đối với văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì trong thời gian tới hệ thống pháp luật còn chồng chéo, khó khăn trong áp dụng…
Chiều 23/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết hiện còn có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định như khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp để bảo đảm tránh xung đột, mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật. Trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật thì vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc áp dụng văn bản ban hành sau. Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các luật, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm các cơ quan thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 12 của Luật (rà soát kỹ, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan ngay từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý). Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định tại khoản 3 Điều 156.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cả nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 156 và nguyên tắc “ưu tiên áp dụng pháp luật” như trong một số luật là cần thiết. Vì vậy, loại ý kiến này đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 156 theo hướng: trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản ban hành sau; trường hợp văn bản ban hành trước có quy định ưu tiên áp dụng pháp luật đối với vấn đề đó thì áp dụng quy định của văn bản ban hành trước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn. |
Chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chồng chéo trong việc áp dụng pháp luật thời gian vừa qua là do chúng ta áp dụng song song cả hai nguyên tắc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị phải cân nhắc kỹ để đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật.
“Nếu chúng ta vẫn lựa chọn áp dụng đồng thời cả 2 nguyên tắc này thì chắc chắn thời gian tới vẫn tiếp tục chồng chéo trong hệ thống pháp luật, khó khăn trong áp dụng”, bà Nga lưu ý, đồng thời đề nghị nên quy định ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau.
Bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm:
“Nếu chúng ta thực hiện tốt khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 156 thì không vấn đề gì xảy ra. Trong trường hợp có vấn đề xảy ra thì chúng ta chỉ cần xử lý đối với từng trường hợp cụ thể thay vì khái quát cùng lúc cả 2 nguyên tắc thì sẽ rối thêm và không giải quyết được vấn đề”.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lại cho rằng vẫn cần quy định cả hai nguyên tắc ,đồng thời cần có quy định để xử lý bảo đảm liên thông giữa hai nguyên tắc này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, việc sửa đổi luật là cần thiết, nhằm tăng cường chất lượng của sự phối hợp giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý chỉ sửa đổi những vấn đề thực sự cần thiết, bất cập, không làm phát sinh thêm công đoạn, không làm phức tạp thêm quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các điều khoản của dự án Luật cần thể hiện đơn giản, rõ ràng./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!