Hỏi: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày, tháng, năm nào, thời điểm có hiệu lực của Luật? Phạm vi điều chỉnh của Luật?
Trả lời: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.
Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hỏi: Nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh được quy định trong Luật như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 3 của Luật, nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh được quy định như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân Việt Nam; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
3. Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
4. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Luật quy định hành vi nào bị nghiêm cấm về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 của Luật, các hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi sau:
1. Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
2. Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
3. Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
4. Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
5. Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
6. Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
7. Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
8. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, tự đặt thêm các loại giấy tờ, phí, lệ phí, kéo dài thời hạn khi giải quyết các thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; cản trở công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
9. Cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; không ngăn chặn theo thẩm quyền hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
10. Hủy hoại, làm sai lệch, làm lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trái quy định của pháp luật.
11. Thu giữ, không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, giải quyết xuất cảnh trái quy định của pháp luật.
Hỏi: Giấy tờ xuất, nhập cảnh gồm những loại giấy tờ nào? Thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 1 Điều 6 của Luật quy định:
1. Giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:
a) Hộ chiếu ngoại giao;
b) Hộ chiếu công vụ;
c) Hộ chiếu phổ thông;
d) Giấy thông hành.
Điều 7 của Luật quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:
1. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
2. Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
a) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
b) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
c) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
3. Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
Hỏi: Luật quy định đối tượng nào được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn?
Trả lời: Tại Điều 17 của Luật quy định đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn như sau:
1. Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay.
2. Người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu.
3. Người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân.
4. Người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.
Hỏi: Luật quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 33 và Điều 34 của Luật quy định về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh như sau:
Điều 33: Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;
b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Điều 34: Công dân Việt Nam được nhập cảnh khi có giấy tờ xuất, nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng.
Linh Loan (Sở Tư pháp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!