Hỏi: Hiệu lực thi hành và bố cục của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có những nội dung như thế nào?
Trả lời: Hiệu lực thi hành và bố cục và các điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm các nội dung như sau:
1. Hiệu lực thi hành
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào ngày 17/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
2. Bố cục của Luật gồm 3 Điều:
- Điều 1 gồm 24 khoản, sửa đổi, bổ sung nội dung 19 điều; bổ sung 3 điều mới, sửa tên Chương IV và sửa tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai” thành “Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tại” của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013.
- Điều 2 gồm 7 khoản, sửa đổi, bổ sung nội dung 6 điều, bổ sung hoặc thay thế một số cụm từ trong các điều, khoản của Luật Đê điều năm 2006.
- Điều 3: Hiệu lực thi hành.
Các lực lượng tham gia diễn tập ứng phó lũ, bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Mường Cơi (Phù Yên).
Hỏi: Một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều là như thế nào?
Trả lời: Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều cụ thể như sau:
1. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai
Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai
Tại khoản 2 Điều 1 bổ sung chính sách: “Ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai” và chính sách “Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã”.
Hiện nay, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo, huấn luyện, cung cấp trang bị để thực hiện nhiệm vụ. Với tình hình thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, không theo quy luật đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ, được cung cấp trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra, chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuống mức thấp nhất, đồng thời để tạo động lực và khuyến khích cho người làm công tác phòng, chống thiên tai bằng chế độ đãi ngộ xứng đáng, yên tâm.
2. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều
a) Cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều
Tại khoản 3 Điều 2 quy định như sau:
“2. Việc cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật về đê điều, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khi cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại các điểm a, b, c và h khoản 1 Điều này đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.
Hoạt động nạo vét luồng lạch ở các tuyến sông có đê để đảm bảo giao thông thủy được pháp luật cho phép. Luật Đê điều quy định hoạt động này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép. Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập; một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tuyến đê. Vì vậy, cần bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch đối với tuyến sông có đê từ cấp III trở lên phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn đê điều.
b) Xây dựng, cải tạo cầu qua sông có đê
Tại khoản 4 Điều 2 bổ sung quy định như sau:
“b) Việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy; an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành.
Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê”.
Theo quy định tại Luật Đê điều, khi xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật, quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn như tại những vị trí xây dựng cầu mới mà khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn; dự án cải tạo mở rộng cầu cũ đã có đường dẫn trên bãi sông mà quy định buộc phải xây dựng cầu dẫn. Tại những dự án này, chủ đầu tư các dự án đều đề nghị chỉ làm cầu dẫn trên dòng chính và một phần bãi sông, đảm bảo khẩu độ về yêu cầu thoát lũ, phần bãi sông còn lại đề nghị sử dụng giải pháp đắp đường dẫn để giảm quy mô, chiều dài cầu, giảm chi phí đầu tư.
Ngoài ra, còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến hoạt động cấp phép; xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều; quyền hạn của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều...
Thu Thủy (Sở Tư pháp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!