Hỏi đáp về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Hỏi: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày, tháng, năm nào? Thời điểm có hiệu lực của Luật? Luật gồm những Điều nào? Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung như thế nào?

             

Trả lời: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2020. Luật gồm 4 Điều (Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Điều 2: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Điều 3: Điều khoản thi hành; Điều 4: Điều khoản chuyển tiếp)

             

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung như sau:

             

- Quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện), đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

             

- Thống nhất quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương; quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.”

             

- Quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

             

Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, số lượng đại biểu HĐND các cấp được quy định như thế nào?

             

Trả lời: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, số lượng đại biểu HĐND các cấp được quy định như sau:

             

- HĐND thành phố trực thuộc Trung ương:

             

+ Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu (trước đây là 95 đại biểu);

             

+ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có 95 đại biểu (trước đây là 105 đại biểu).

             

- Hội đồng nhân dân tỉnh:

             

+ Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước đây là 85 đại biểu);

             

+ Tỉnh còn lại có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 1 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước đây là 95 đại biểu).

             

- HĐND quận:

             

+ Quận có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân được bầu tối đa 45 đại biểu (trước đây là 40 đại biểu nếu có trên 80.000 dân);

             

+ Quận có từ 30 phường trực thuộc trở lên có không quá 40 đại biểu (quy định này vẫn giữ nguyên).

             

- HĐND huyện:

             

+ Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước đây là 40 đại biểu);

             

+ Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước đây là 40 đại biểu).

             

- HĐND phường:

             

+ Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (trước đây có 8.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu).

             

+ Phường có trên 10.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây có 8.000 dân trở lên được bầu 35 đại biểu).

             

- HĐND xã:

             

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu;

             

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu (trước đây là 20 đại biểu);

             

+ Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3.000 dân thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây là 35 đại biểu);

             

+ Xã còn lại có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước đây là 35 đại biểu).

             

Hỏi: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, cơ cấu tổ chức của UBND xã được quy định như thế nào?

             

Trả lời: Theo quy định của Khoản 12 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, cơ cấu tổ chức của UBND xã được quy định như sau:

             

UBND xã gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách Công an.

             

Ủy ban nhân dân xã loại I, loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; xã loại III có 1 Phó Chủ tịch.” (như vậy so với trước đây, đối với xã loại II được tăng thêm 1 Phó Chủ tịch xã).

             

Linh Loan (Sở Tư pháp)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới