Hỏi - đáp Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Hỏi: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày, tháng, năm nào? Luật có bao nhiêu chương và bao nhiêu điều, phạm vi điều chỉnh của Luật? Những người nào được quyền yêu cầu bồi thường?

                 

Đáp: Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa XIV, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (LTNBTCNN) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2018 thay thế Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.     

                 

Luật gồm có 9 chương, 78 điều, quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường Nhà nước.

                 

Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường (Điều 5 LTNBTCNN):

                 

1. Người bị thiệt hại;

                 

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

                 

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

                 

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

                 

Hỏi: Khi Nhà nước bồi thường phải xác định căn cứ nào? Người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường có quyền và nghĩa vụ gì?

                 

Đáp: Theo Điều 7 LTNBTCNN quy định:

                 

1,  Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

                 

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

                 

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

                 

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

                 

* Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

                 

a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

                 

b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

                 

c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

                 

2, Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền sau đây:

                 

a) Yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 3 (Cơ quan giải quyết bồi thường) của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường;

                 

b) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng;

                 

c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật;

                 

d) Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình;

                 

đ) Được cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường;

                 

e) Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường;

                 

g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

                 

* Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có nghĩa vụ sau đây:

                 

a) Cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình;

                 

b) Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường;

                 

c) Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định tại Luật này và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại;

                 

d) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

                 

* Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo pháp luật, người thừa kế của người bị thiệt hại hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại có quyền, nghĩa vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

                 

* Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền có quyền, nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều này trong phạm vi ủy quyền.

                 

Linh Loan (Sở Tư pháp)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới