Sau 3 năm triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thực hiện đã bám sát nội dung Đề án, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn, với nhiều cách làm hay, hiệu quả. Qua đó, từng bước nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; giảm những hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Công an tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức các hoạt động PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai; môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội khác; trật tự an toàn giao thông tại một số địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện gồm: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố, huyện Vân Hồ và huyện Sông Mã.
Theo đó, Công an tỉnh đã xác định địa bàn trọng điểm chọn làm điểm để PBGDPL. Cụ thể, về lĩnh vực hình sự, ma túy và các tệ nạn xã hội khác chọn địa bàn xã Chiềng Xuân (Vân Hồ); lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông tại địa bàn phường Chiềng Sinh (Thành phố); lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước tại xã Chiềng Khoong (Sông Mã). Các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tập trung tổ chức tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với từng địa bàn, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và thông qua các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng: trưởng bản, người có uy tín trong bản, trưởng dòng họ; trực tiếp tuyên truyền lưu động đến các bản, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân... Từ năm 2013 đến tháng 7/2016, các đơn vị đã tuyên truyền, PBPL trên sóng phát thanh truyền hình được 129 chuyên mục an ninh Sơn La, 183 chuyên mục an toàn giao thông, 183 chuyên mục pháp luật và đời sống; 1.539 tin, 510 phóng sự; biên soạn, in, phát hành 3.776 đĩa (tiếng Việt - Mông), 45.247 tờ rơi, 139 áp phích, băng zôn tuyên truyền pháp luật; vận động 3.420 lượt cơ quan, đơn vị, tổ chức và trên 87.000 lượt cá nhân ký cam kết chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống ma túy, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Công an tỉnh đã triển khai tuyên truyền, PBPL về xuất, nhập cảnh cho cán bộ chủ chốt xã, bản và nhân dân huyện biên giới; tổ chức cho 23.161 hộ gia đình ký cam kết thi đua xây dựng hộ gia đình đạt chuẩn về ANTT; lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương lắp đặt các bộ loa tại các ngã ba, ngã tư nội thành tuyên truyền về một số điều trong Luật Giao thông đường bộ như: Bạn cần biết khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; quy định về xử lý nồng độ cồn; đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông... Đặc biệt, thông qua tổ chức tọa đàm, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, đề tài nghiên cứu, đánh giá hoạt động phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác tại địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, kết hợp tôn vinh, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong công tác PBGDPL...
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân công thực hiện Đề án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với tòa án nhân dân các cấp, Hội đồng xét xử và chính quyền cơ sở lựa chọn những vụ án điểm để xét xử lưu động, nhất là các phiên tòa xét xử có tính chất phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, tuyên truyền, PBGDPL cho hàng ngàn lượt người tham dự, vừa nâng cao nhận thức của nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật, vừa răn đe, phòng ngừa tội phạm hiệu quả, từ đó, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường việc công khai, phát huy hiệu quả số điện thoại đường dây nóng; duy trì, phát huy hiệu quả hàng trăm hòm thư tố giác tội phạm liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi của Đề án. Củng cố, kiện toàn và duy trì các mô hình, phong trào đảm bảo ANTT ở cơ sở trong phối hợp tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về vi phạm pháp luật, như: “Dân vận khéo”; “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy”; “Cụm dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy”; nhóm liên gia tự quản; ban bảo vệ dân phố, tổ hòa giải... góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Với cách làm sáng tạo, bài bản, Đề án “Tăng cường PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của nhân dân, làm giảm hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT. Với kết quả đó, thời gian tới, Đề án tiếp tục được triển khai, nhân rộng, góp phần chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh nhà.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!