Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp

Thời gian qua, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh đã được các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng thực hiện, góp phần cải thiện điều kiện lao động, hạn chế những thiệt hại do tai nạn lao động gây ra. Tuy nhiên, tại một số đơn vị sử dụng lao động, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng mất an toàn lao động.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 1.800 doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh, chủ yếu ở các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản. Nhiều đơn vị có các loại máy, thiết bị, vật tư yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Thời gian qua, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo danh mục nghề nghiệp cho người lao động; thực hiện tốt các nội quy, quy chế về pháp luật bảo hộ lao động. Là đơn vị thành viên Ban Quản lý Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu giúp Ban Quản lý ban hành và thực hiện kế hoạch triển khai tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN. Phối hợp với các đơn vị liên quan mở 15 lớp tập huấn nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho 809 cán bộ quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động và người làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; mở 23 lớp tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho 1.301 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, nhân viên C.ty thủy điện Nậm Chiến 2 (Mường La) được hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng cải thiện môi trường làm việc, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động khi tham gia sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH mỏ Nikel bản Phúc, xã Mường Khoa (Bắc Yên), luôn chú trọng bảo đảm ATVSLĐ-PCCN; hiện, Công ty đang sử dụng 276 lao động thường xuyên và 82 lao động thời vụ, đơn vị đã thành lập bộ phận an toàn - vệ sinh lao động; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động. Cùng với việc phổ biến cho công nhân nội quy an toàn khi tham gia sản xuất, tại mỗi vị trí lao động, Công ty đã gắn biển chỉ dẫn an toàn, biển cảnh báo nguy hiểm, các dụng cụ trang bị bắt buộc khi đi vào khu vực sản xuất. Trao đổi về công tác ATVSLĐ-PCCN của đơn vị, anh Lê Hồng Lưu, công nhân Công ty TNHH mỏ Nikel bản Phúc, xã Mường Khoa (Bắc Yên) cho biết: Trong quá trình lao động, chúng tôi được Ban An toàn lao động của Công ty hướng dẫn cách sử dụng các trang thiết bị an toàn lao động như: đi giầy, đi ủng, đeo kính, khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ lao động trước khi làm việc. Được trang bị bảo hộ lao động và tham gia các đợt tập huấn nên Công ty không xảy ra sự cố về an toàn vệ sinh lao động. 

Qua thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tai nạn lao động vẫn có những diễn biến hết sức khó lường. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 66 vụ tai nạn lao động, làm 49 người bị chết, 34 người bị thương. Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động, ông Nguyễn Mạnh Du cho biết thêm: Một phần là do trình độ năng lực của người sử dụng lao động tại một số doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu kiến thức về pháp luật bảo hộ lao động; còn có biểu hiện coi thường, chủ quan về công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, hướng dẫn kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ của cơ quan chức năng Nhà nước chưa thực sự sâu sát và thường xuyên. Mặt khác, người lao động ít quan tâm đến việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị, không chú ý và chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ...

Để làm tốt công tác ATVSLĐ, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho Ban Quản lý Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; tổ chức tọa đàm, giới thiệu các tiêu chuẩn quốc tế, các thông tư, nghị định mới về ATVSLĐ; triển khai mô hình quản lý ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh. Phối hợp với các đơn vị tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, ưu tiên người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới