Chiều 31/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thủy lợi.
Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủy lợi.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự thảo Luật Thủy lợi quy định về các chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy lợi, như: ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, công trình vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hải đảo; có chính sách miễn, giảm giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với đối tượng sử dụng hoặc trường hợp xảy ra thiên tai; các chính sách hỗ trợ, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân hoạt động về thủy lợi; quy định đối với các công trình thủy điện tham gia phòng, chống lũ và cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh.
Đáng chú ý, so với Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi, dự thảo Luật quy định các nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó nhà nước tập trung nguồn lực đầu tư công trình có quy mô lớn, công trình khó huy động các nguồn lực xã hội, công trình phục vụ phòng, chống thiên tai; quy định nguyên tắc đối với công trình quy mô vừa và nhỏ có khả năng thu hồi vốn đầu tư xây dựng; quy định nguyên tắc đối với công trình quy mô nhỏ phục vụ địa bàn cấp xã; quy định người hưởng lợi từ công trình thủy lợi và tổ chức, cá nhân có liên quan được tham vấn ý kiến trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Liên quan đến chính sách giá dịch vụ thủy lợi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ từ công trình thủy lợi phải trả tiền cho tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ theo quy định; khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm; tạo động lực để nâng cao hiệu quả phát huy tiềm năng, lợi thế công trình thủy lợi; thực hiện trợ giá đối với dịch vụ thủy lợi phục vụ mục tiêu công ích.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Thủy lợi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chưa bao quát hết các nội dung của Luật, như bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các hoạt động có liên quan trực tiếp đến thủy lợi như hoạt động thủy điện, xây dựng công trình giao thông thủy, công trình phòng chống thiên tai. Do vậy, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ giới hạn phạm vi điều chỉnh của Luật để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo với các luật đã ban hành.
Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản tán thành với các chính sách quy định dự thảo Luật. Tuy nhiên, để phát triển thủy lợi, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chính sách: tổ chức, cá nhân đầu tư các công trình thủy lợi đấu nối với hệ thống dẫn nước chính ở địa bàn KT-XH khó khăn; miễn giảm, trợ giá dịch vụ thủy lợi cho một số đối tượng ưu tiên, hoạt động ưu tiên như cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước… Ngoài ra, cần rà soát một số các chính sách như: hỗ trợ chuyển giao công trình thủy lợi, hoặc chuyển giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư cho tổ chức, cá nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý khai thác công trình thủy lợi theo hình thức đối tác công tư cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Về nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, do tính chất đặc biệt quan trọng của công trình thủy lợi nhưng có tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, nhất là với các công trình thủy lợi lớn nên nhiều năm qua, việc đầu tư xây dựng chủ yếu là do Nhà nước thực hiện, chiếm trên 75,6% ngân sách nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, các tổ chức xã hội và cá nhân còn ít được tham gia.
Hiện tại, đầu tư cho các công trình thủy lợi là khá lớn. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT và qua giám sát ở một số địa phương thì đầu tư xây dựng công trình thủy lợi còn tồn tại một số hạn chế như: thiếu vốn, tiến độ cấp vốn chậm, chi phí đầu tư lớn hơn nhiều so với thực tế, việc đầu tư không đồng bộ nên hiệu quả còn thấp, nhiều hệ thống công trình không thực hiện được các chức năng theo thiết kế và chưa thu hút được đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia.
Để khắc phục những tồn tại nói trên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ các nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi như: Việc phân cấp quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải căn cứ vào loại và cấp công trình; Việc phân cấp quản lý đầu tư công trình thủy lợi đối với công trình do Nhà nước đầu tư; Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi sử dụng lâu dài, đa mục tiêu./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!