Bảo vệ “vùng xanh” trên không gian mạng

Công an tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xử phạt admin của hàng loạt Fanpage giả mạo Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Cơ quan Công an cung cấp

Bài 1: “Lỗ hổng” xuyên biên giới

Nền tảng xuyên biên giới hay ứng dụng công nghệ kỹ thuật số xuyên biên giới đã hiện hữu phổ biến trong đời sống xã hội Việt Nam và trên thế giới trong vài thập kỷ qua, có xu hướng ngày càng được mở rộng hơn, trở thành một trong những thành tố quan trọng bậc nhất trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh những tiện ích mang lại cho xã hội, các nền tảng xuyên biên giới cũng tồn tại một số mặt trái tiêu cực. Các đối tượng đã lợi dụng lỗ hổng trong công tác quản lý nền tảng xuyên biên giới để tiến hành các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an xã hội.

Thực tế hiện nay ở nước ta, số lượng người dân sử dụng các nền tảng xuyên biên giới tập trung nhiều nhất vào dịch vụ tìm kiếm Google, mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram..., dịch vụ xem và chia sẻ video trực tuyến YouTube. Và mới đây nhất là trào lưu mạng xã hội Tiktok... đang thu hút lượng người dùng lớn và liên tục tăng trưởng. Không thể phủ nhận những thông tin đa dạng nhiều màu sắc mà các nền tảng xuyên biên giới mang lại cho con người. Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực, hữu ích, đang tồn tại một thực trạng là có những người lợi dụng để phát tán thông tin xấu độc, tin giả; tuyên truyền các hành vi, phát ngôn xấu, phản văn hóa với mục đích “câu like”, “câu view”; giả mạo thông tin, đánh cắp dữ liệu để lừa đảo, tống tiền; tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy... trên các nền tảng này. Đối với an ninh quốc gia, các nền tảng xuyên biên giới dễ dàng trở thành công cụ để các đối tượng xấu tuyên truyền thông tin xấu độc, chống phá, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương; xuyên tạc, bóp méo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kêu gọi, kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyển mộ, huấn luyện các phần tử khủng bố...

Tình trạng nêu trên đã cho thấy có rất nhiều “lỗ hổng” trên môi trường không gian mạng. Tuy nhiên, theo Bộ Công an, những kẽ hở quan trọng nhất chính là việc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới hiện chưa có cơ chế kiểm soát toàn diện. Trong khi đó, người dùng mạng xã hội lại được cấp quá nhiều “quyền lực”. Đơn cử như mạng xã hội Facebook, mỗi người dùng ngoài việc tạo tài khoản trang cá nhân có thể tạo thêm vô số Fanpage, hội nhóm do chính mình làm chủ và hoàn toàn tự do đăng thông tin theo sở thích.

Thời gian gần đây ở các địa phương xuất hiện hàng loạt các Fanpage lấy tên địa phương để đưa các tin tức xảy ra tại địa phương đó. Tại Hà Nội, chỉ với từ khóa “tin tức Hà Nội” có thể tìm thấy hàng loạt Fanpage dạng này do các cá nhân tự lập ra. Đã có nhiều trường hợp các Fanpage tin tức địa phương “tự phát” đưa tin sai, nhất là thông tin về dịch Covid-19 khiến người dân hoang mang. Cũng vì đưa quá nhiều “quyền lực” đến tay người dùng, đã có nhiều đối tượng tìm mọi cách để trở thành những “hot face” và dùng danh tiếng trên mạng xã hội để trục lợi. Thủ đoạn của những đối tượng này là, dùng mối quan hệ có nhiều nguồn tin liên quan các vấn đề an ninh, chính trị,... để đưa tin sớm lên Facebook cá nhân. Sau khi thu hút được lượng người follow (theo dõi) và share (chia sẻ) lớn, các đối tượng thực hiện hành vi trục lợi. Vụ việc của Trương Châu Hữu Danh là một điển hình. Nổi tiếng trên mạng là một người thạo tin tức, Danh khéo léo xây dựng cho mình hình ảnh như một “hiệp sĩ” phản ánh những việc bất công trong xã hội. Thế nhưng, qua các tài liệu chứng cứ, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ đã làm rõ, Danh và đồng phạm tạo trang Fanpage “Báo Sạch”, group “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube để viết, đăng tải nhiều bài viết, video về các chủ đề được dư luận quan tâm trên mạng xã hội Facebook. Nhóm của Danh sau đó đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video clip, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, một chiều để đăng tải, phát tán lên mạng xã hội. Qua đó, hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân có nhận thức lệch lạc chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí, nhiều bài viết từ nhóm của Danh còn nhắm vào các doanh nghiệp lớn, sau đó nhóm này lại đứng ra nhận làm các “hợp đồng truyền thông” để kiếm tiền chia nhau.

Mới đây nhất, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã bắt giữ Nhâm Hoàng Khang, một lập trình viên được nhiều người biết đến với biệt danh “Cậu IT”. Có trình độ công nghệ thông tin, Khang thường đột nhập các mạng dữ liệu để đánh cắp thông tin cá nhân, tổ chức nhằm mục đích trục lợi. Thậm chí, Khang còn ngang nhiên lên Facebook cá nhân tuyên bố lấy được sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân, quỹ từ thiện. Qua điều tra, Cục Cảnh sát hình sự, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) xác định, Khang đã đột nhập vào trang web hoạt động cờ bạc nắm các dữ liệu, bằng chứng của trang web rồi quay sang đe dọa chủ nhân trang web rằng sẽ tố cáo sai phạm. Khang buộc chủ nhân trang web phải chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản cho mình và sau nhiều lần bàn bạc, Khang đồng ý nhận 400 triệu đồng để bỏ qua.

Một vấn đề “gốc rễ” khác là việc lợi dụng sự lỏng lẻo và dễ dãi trong quản lý nội dung của các mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm bất hợp pháp tại Việt Nam (tiền giả, bán vũ khí, vật liệu cháy nổ, cờ bạc, rượu, hàng giả...). Người dùng mua quảng cáo tự do không qua kiểm duyệt nội dung, thậm chí có thể mua quảng cáo để nói xấu người khác. Chính việc này vô hình trung càng tạo thêm “lỗ hổng” trên mạng xã hội cho những người sử dụng thiếu ý thức.

Vấn đề gây nhức nhối khác trên các nền tảng xuyên biên giới, là vấn nạn “virus tin giả” tràn lan. Cuối tháng 8 vừa qua, Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đã làm rõ và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật hàng chục vụ tin giả kêu cứu trên Facebook, Zalo... khiến dư luận hiểu lầm về công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân của chính quyền Đà Nẵng. Ngày 18/8, tài khoản Facebook Trần Thị Diệu M. và Phạm Tuấn K. đăng tải, chia sẻ bài viết tiêu đề “Người đang cần thì không giúp, người có lại có thêm, ai ở gần giúp đỡ em ấy với”. Nội dung đăng tải ghi rõ địa chỉ: “Gia đình em cần giúp đỡ ạ. Hiện tại em đang ở 303 Nguyễn Lương Bằng, đã ba ngày hôm nay bọn em đã cố gắng cầm cự, đến bây giờ bọn em không có gì để ăn, trong khi em còn có vợ đang mang thai ba tháng nữa. Giúp bọn em với mọi người”. UBND phường Hòa Khánh Bắc lập tức cử cán bộ đến nhà, nhưng tại địa chỉ 303 Nguyễn Lương Bằng chỉ có một nam thanh niên và người này khẳng định không quen biết hai tài khoản Facebook nêu trên, không gặp khó khăn và không đăng tải nội dung trên Facebook. Nam thanh niên cũng từ chối nhận quà cứu trợ của phường và đề nghị hỗ trợ trường hợp khác khó khăn hơn. Sau đó, Công an đã làm rõ hai tài khoản Facebook nêu trên đều do bà Trần Thị Diệu M., trú tại phường Hòa Hiệp Nam quản lý, sử dụng. Do đang trong thời gian giãn cách, cơ quan công an cũng đã cảnh cáo bà M. về vụ việc “kêu cứu giả” này và có biện pháp xử lý về sau.

Ông Hồ Công Trung, Bí thư Chi bộ khu dân cư 5, phường Hòa Khánh Bắc cho biết, dù địa bàn khu dân cư rất nhiều hộ là sinh viên, công nhân, người lao động tự do thuê trọ, nhưng Ban điều hành khu dân cư nắm vững từng hộ, từng hoàn cảnh và đề xuất chính quyền, kêu gọi các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ đầy đủ. Tuy nhiên, do nhận thức về pháp luật hạn chế, hoặc a dua theo trào lưu cho nên một số người thường đưa tin theo kiểu cho vui. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng “Nếu được thì có thêm quà, không thì cũng chả sao. Chỉ đến khi mời đến làm việc, phân tích đó là hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch của cả thành phố, thì họ mới hiểu ra, xóa bỏ bài viết và đăng tin cải chính” - ông Trung nói.

Tại tỉnh Lâm Đồng, tính từ tháng 1/2020 đến nay, Công an tỉnh phát hiện 138 vụ/200 trường hợp tại địa phương vi phạm các quy định pháp luật trong quản lý, cung cấp, sử dụng, dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Đáng chú ý là, việc khởi tố, bắt, khám xét đối với hai đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia là Nguyễn Minh Quang (trú tại huyện Bảo Lâm, tham gia tổ chức phản động lưu vong “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (theo Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) và Vũ Tiến Chi (sinh năm 1966, trú tại TP Bảo Lộc) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ (Công an TP Hải Phòng) cho hay, trên địa bàn TP Hải Phòng, các thế lực thù địch, các đối tượng xấu cũng tích cực khai thác những thông tin tiêu cực phản ánh về mặt trái của đời sống xã hội, những thông tin “nóng”, “nhạy cảm” thu hút sự quan tâm của dư luận, từ đó xuyên tạc tình hình chính trị - xã hội trong nước và thành phố, tuyên truyền quan điểm sai trái, cùng với đó là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Cuối tháng 6 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã đánh sập sàn tiền ảo Hitoption.net do Nguyễn Thế Dương và Nguyễn Văn Quyền thiết lập, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sàn giao dịch của Dương và Quyền thu hút hàng nghìn người tham gia. Qua trích xuất sơ bộ, công an xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư của sàn là hơn 7.505 tỷ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỷ đồng...

Với thực trạng đang diễn ra, có thể thấy, “lỗ hổng” tại các nền tảng xuyên biên giới, đang là một mảnh đất màu mỡ để tội phạm ẩn mình gây hại cho xã hội. Nếu không có các biện pháp quản lý chặt chẽ, thấu đáo hơn, mối nguy từ tội phạm mạng mang lại là khôn lường n

(Còn nữa)

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới