Về xã Cò Nòi (Mai Sơn) những ngày cuối cùng của năm 2019, có mặt tại khu trung tâm xã, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cách đây hơn 10 năm, nơi đây còn là bạt ngàn nương mía với hầu hết các tuyến đường đất đi lại rất khó khăn về mùa mưa, nhưng nay đã trở thành khu đô thị hiện đại với nhiều công trình được đầu tư xây mới khang trang, sạch đẹp, gồm: Hệ thống điện, đường, các trường học, trạm y tế, chợ, bến xe, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Khí thế của xã đạt chuẩn nông thôn mới mang theo mùa xuân đang đến với mọi người, mọi nhà bằng nhịp sống hân hoan, phấn khởi trước những kết quả đã đạt được, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Cò Nòi (Mai Sơn)
Không chỉ đổi mới về diện mạo đô thị, mà ngay trong tư duy sản xuất và nếp nghĩ, cách làm của người dân xã Cò Nòi cũng được đổi mới, những nương ngô, sắn ngày xưa đã được thay bằng vùng chuyên canh mía với tổng diện tích 2.445 ha của các hộ nông dân, được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; sản lượng mía bình quân đạt 70-80 tấn/ha, thu nhập bình quân gần 70 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, xã đã triển khai hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ghép cải tạo vườn tạp, trồng mới cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đến nay toàn xã có trên 1.200 ha cây ăn quả, gồm: Xoài, nhãn, na, bưởi... cho thu nhập cao. Các hộ trồng cây ăn quả đã liên kết sản xuất tập trung thông qua việc thành lập Hợp tác xã Mé Lếch, Hợp tác xã Thanh Sơn; Hợp tác xã Xuân Quế, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Khánh... và liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn na Thái đã trồng được 4 năm của gia đình, anh Bùi Văn Lộc, Tiểu khu 32, xã Cò Nòi phấn khởi nói: Vụ vừa rồi, vườn na cho thu hoạch 12 tấn quả, với giá bán 70.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 800 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng còn lãi hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, tôi đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Khánh liên kết sản xuất với các hộ nông dân, tạo vùng sản xuất na Thái với sản lượng lớn, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ thông qua các siêu thị lớn ở Hà Nội.
Chia tay xã Cò Nòi, chúng tôi tiếp tục tới thăm các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019, như: Chiềng Sàng (Yên Châu), Chiềng Hắc (Mộc Châu), Chiềng Khoa (Vân Hồ), Tông Lạnh (Thuận Châu)..., ở đâu cũng thấy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng sôi nổi, tích cực thông qua việc tự giải phóng mặt bằng, ủng hộ vật liệu, ngày công, hiến đất để xây dựng đường giao thông, trường học và nhà văn hóa bản... Các hội viên Hội LHPN, Đoàn thanh niên xã tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào “5 không, 3 sạch”, vệ sinh đường bản định kỳ; thực hiện “Tuyến đường nở hoa”, các tuyến đường thanh niên tự quản; tổ chức các hoạt động “Ngày chủ nhật xanh, ngày thứ 7 tình nguyện” giúp đỡ các các hộ nghèo phát triển kinh tế; vệ sinh môi trường các khu dân cư; đào hố rác, hướng dẫn bà con phân loại rác thải sinh hoạt...
Nhìn lại 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La, mới thấy hết sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với 188 xã ở 12 huyện, thành phố tham gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để huy động sức dân tham gia đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đến nay 100% số xã trong tỉnh đã có đường đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đời sống của người dân khu vực nông thôn cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 32 triệu đồng/người/năm (tăng 19 triệu đồng/người/năm so với thu nhập bình quân đầu người ở các xã năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29,85% (so với năm 2011, số hộ nghèo giảm 10,3%); bảo đảm an sinh xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở... Tính từ năm 2011 đến tháng 10/2019, tỉnh ta đã huy động gần 29.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 1.579 tỷ đồng; ngân sách địa phương và vốn lồng ghép 9.569 tỷ đồng; vốn tín dụng 13.945 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 152 tỷ đồng và cộng đồng dân cư đóng góp 3.612 tỷ đồng đầu tư bê tông hóa hơn 8.200 tuyến đường với tổng chiều dài 2.545km, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại trao đổi hàng hóa thuận lợi; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 1.266 phòng học, 85 phòng học bộ môn, 16 nhà hiệu bộ, 1.136 phòng học cơ sở bán trú, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp 254 phòng, lớp học, nâng tổng số trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn Quốc gia lên 261 trường học các cấp; đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới 82 công trình trạm y tế xã, 15 công trình chợ nông thôn; nâng cấp, sửa chữa và xây mới 288 công trình thủy lợi, 1.409 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương nội đồng được kiên cố hoá trên địa bàn toàn tỉnh lên hơn 3.000 km... Các công trình hoàn thành đã phục vụ tốt sản xuất và đời sống của nhân dân. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV đề ra trước 1 năm và vượt 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới so mục tiêu; bình quân toàn tỉnh đạt 12 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,39 tiêu chí/xã so với năm 2011; hiện không có xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, thành phố Sơn La là địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Phấn khởi với những kết quả đã đạt được, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, cho biết: Chủ trương xuyên suốt của Chính phủ là “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự tích cực tham gia tự nguyện của người dân với mong muốn xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bộ mặt nông thôn có bước thay đổi rõ nét, kết cấu hạ tầng trung tâm các xã nông thôn mới không còn khoảng cách xa với các đô thị trung tâm các huyện. Nhiều ngôi nhà của người dân được xây mới kiên cố, khang trang, hàng hóa đa dạng phong phú phục vụ nhân dân. Những tuyến đường liên xã, nội bản đều được cứng hóa, những vườn cây ăn quả xanh tốt, hững làng quê trù phú ấm no. Xây dựng nông thôn mới - ý Đảng hợp lòng dân, thành quả của tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!