5 năm qua, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới. Phong trào “chung tay xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, không những huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh.
Nhân dân xã Mường Bằng (Mai Sơn) làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40 và 63 HĐND tỉnh.
Đối với tỉnh ta, phát triển giao thông nông thôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu, góp phần quan trọng từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ các nhu cầu cấp thiết phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống dân sinh. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 40/2012/NQ-HĐND ngày 12-12-2012, Nghị quyết số 63/2013/NQ-HĐND ngày 12-12-2013 và Nghị quyết số 41/2013/NQ-HĐND ngày 14-3-2013 về hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng để bê tông hóa đường đến bản và đường nội bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố và cứng hóa đường trục chính nội đồng... UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết, với phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ”. Quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, tạo thành phòng trào thi đua sôi nổi giữa các xã, phường, bản, tiểu khu, tổ dân phố; huy động được sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông nông thôn, nhân dân là người trực tiếp thi công, kiểm tra, giám sát và quản lý công trình.
Sau hơn 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã huy động được 1.061 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 335 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 726 tỷ đồng), nâng cấp, bê tông hóa 1.830 tuyến, tổng chiều dài 661,4 km đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 40 và 63, với tổng kinh phí 772,1 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thiện nâng cấp, bê tông hóa 1.208 tuyến, chiều dài gần 310 km đường giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố tại các phường, thị trấn theo Nghị quyết số 41, tổng kinh phí gần 290 tỷ đồng. Điểm nổi bật là các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, cơ chế giám sát cộng đồng, công khai minh bạch các khoản hỗ trợ, đóng góp và chi phí, chống thất thoát lãng phí trong công tác quản lý và xây dựng.
Xã Phổng Lái được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thuận Châu, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Báu cho biết: Năm 2016, Phổng Lái phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay các tiêu chí liên quan đến huy động sự đóng góp của nhân dân đã cơ bản hoàn thành, nổi bật là phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40 và 63 của HĐND tỉnh, hiện đã hoàn thành hơn 60% trong tổng số trên 10km đường giao thông nội bản, liên bản. Điển hình là bản Nặm Giắt có 114 hộ, toàn bộ là đồng bào dân tộc Mông, mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi được tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình, với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, bà con tự khai thác đá, góp tiền bê tông hóa hơn 150m đường và sân nhà văn hóa bản.
Năm 2016, tỉnh ta phấn đấu đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 41 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 85 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 3 tiêu chí. Trong đó, tập trung ưu tiên nâng cấp đường giao thông đến trung tâm xã, bê tông hóa đường nội xã, bản, phấn đấu có 160 xã có đường ô tô đi được 4 mùa. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn theo hướng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng đường đến 100% trung tâm xã, bảo đảm đi được 4 mùa. Đồng thời, phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 40, 63 và 41 của HĐND tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, hiến đất, đóng góp công sức, vật liệu để làm đường giao thông nông thôn. Toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện bê tông hóa gần 1.500 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng dài 572 km, tổng kinh phí gần 682 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 225 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp, bảo đảm 50% đường đến bản, đường nội bộ bản, đường trục chính nội đồng được bê tông hóa phục vụ hiệu quả đời sống và sản xuất của nhân dân.
Những kết quả quan trọng của việc bê tông hóa giao thông nông thôn đã tạo động lực to lớn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khuyến khích nông dân đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!