Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh trong sản xuất nông nghiệp và cơ chế đặc thù trong triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới và ban hành bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017-2020.
Mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của nông dân bản Thàn, xã Chiềng Pằn (Yên Châu).
Năm 2017, với mục tiêu phấn đấu không còn xã dưới 5 tiêu chí, các ngành chức năng, các địa phương đã triển khai thực hiện tốt việc cụ thể hóa cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của từng xã. Các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị chuyên đề về phát triển kinh tế tập thể, biểu dương các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất giỏi, gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục, lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã khởi công mới 486 công trình, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, nhà văn hóa xã... Phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh được phát động sâu rộng trong toàn tỉnh, thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân. Trong năm, các xã đã thi công 1.139 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 346 km, tổng mức đầu tư 411 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 125 tỷ đồng, nhân dân đóng góp vật liệu, công lao động trị giá 286 tỷ đồng.
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, triển khai thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về phát triển HTX kiểu mới, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, hỗ trợ phát triển nuôi, khai thác thủy sản, gắn với phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La. Đến nay, tỉnh đã hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các hình thức kinh tế tập thể, trang trại, hộ gia đình, nhân rộng quy trình sản xuất VietGAP có xuất xứ chỉ dẫn địa lý và thương hiệu đối với một số sản phẩm nông sản, từng bước kết nối với các chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu bền vững. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển đổi những diện tích trồng ngô, lúa nương và cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Theo thông tin từ lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhằm khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, cũng như tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong việc trồng cây ăn quả, ngành Nông nghiệp và PTNT đang tập trung triển khai chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh. Cùng với thực hiện hướng dẫn quy trình chuyển đổi, đẩy mạnh tuyên truyền, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp, khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hỗ trợ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, từng bước mở rộng diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo chính sách, đã xây dựng được các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn các huyện, với tổng diện tích 485 ha; ghép mắt cải tạo vườn tạp cho 7.547 hộ, xây dựng 9 vườn ươm cây giống. Đây là những điều kiện hết sức quan trọng, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, khẳng định hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với canh tác cây lương thực trên đất dốc, góp phần phủ xanh đất trồng, đồi trọc, tăng độ che phủ và bảo vệ môi trường bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo thêm nguồn lực để các xã đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến hết năm 2017, toàn tỉnh đạt bình quân 9,3 tiêu chí/xã, trong những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục công bố các xã Phổng Lái (Thuận Châu), Chiềng Sơn (Mộc Châu), Sốp Cộp (Sốp Cộp) và Gia Phù (Phù Yên) đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số các xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 16 xã. Ngoài ra, đối với 14 xã đã đạt từ 14-18 tiêu chí sẽ được tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại để công bố đạt chuẩn trong năm 2018.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!