Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH khu vực nông thôn

Hơn 5 năm qua, điểm nổi bật trong thực hiện chương xây dựng nông thôn mới là tỉnh ta đã tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới.

Trung tâm xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai) được đầu tư xây dựng khang trang.

 

Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách và được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở, từng bước tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Toàn tỉnh hiện có gần 2.000 km đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có 149/188 xã có đường ô tô đi được 4 mùa; hệ thống đường từ trung tâm xã đến bản 5.916 km và 11.497 km đường nội bản, nội đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ toàn bộ xi măng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ”, quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, tạo phong trào thi đua sôi nổi giữa các xã, bản, huy động được sự đóng góp của nhân dân để làm đường giao thông nông thôn, nhân dân là người trực tiếp thi công, kiểm tra, giám sát và quản lý công trình. Đến nay, toàn tỉnh đã cứng hóa được gần 4.200 km đường giao thông nông thôn, trong đó trải nhựa và bê tông hóa trên 3.620 km, đường cấp phối 568 km. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các dự án đưa điện lưới quốc gia về vùng nông thôn, hơn 5 năm qua đã xây dựng và cải tạo nâng cấp 872 trạm biến áp, gần 2.800 km đường dây. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành 2 dự án lớn, gồm: Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, hoàn thành cấp điện cho 22.617 hộ và Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La năm 2015, cấp điện cho 5.345 hộ. Những hộ được cấp điện lưới quốc gia trong giai đoạn này đều tập trung ở những xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 85%. Hiện nay, tỉnh đang triển khai Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện năm 2016, cấp điện cho 2.799 hộ. Ngoài ra, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và nâng cấp 350 công trình thủy lợi, cải tạo 1.898 km kênh mương, trong đó, kiên cố hóa 1.285 km, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt và cung cấp nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu cho gần 28.000 ha lúa hai vụ, tưới ẩm 736 ha và 666 ha thủy sản.

Bên cạnh đó, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế được tập trung chỉ đạo, tỉnh ta đã rà soát, phê duyệt 13 dự án quy hoạch sản phẩm ngành nghề về phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, tạo ra các sản phẩm chủ lực, vùng nguyên liệu tập trung, như chè, cà phê, các vùng trồng rau, quả an toàn chất lượng cao, phát triển chăn nuôi đại gia súc, thủy sản... Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 30.000 ha đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, rau an toàn và trồng rừng. Các địa phương đã tăng cường công tác khuyến nông, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, đã tổ chức 14.297 lớp tập huấn kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản cho 575.384 lượt nông dân; xây dựng 40 loại mô hình khuyến nông với 15.800 hộ nông dân tham gia và 500 mô hình khuyến nông tự nguyện về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Đồng thời, đào tạo nghề cho 22.965 lao động nông thôn, trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 7.154 người, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%, lao động có việc làm thường xuyên trên 85%.

Năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã. Hiện nay, các địa phương đã tổ chức rà soát, đánh giá lại quy hoạch, đề án nông thôn mới cấp xã và đánh giá thực trạng nông thôn mới. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, gắn với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, khuyến khích phát triển HTX, xây dựng mối liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân. Đặc biệt, tập trung hoàn thiện các tiêu chí còn lại để chuẩn bị tổ chức công bố 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Đồng thời, rà soát, bổ sung đề án quy hoạch các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới