Dựa trên những kết quả đã đạt được trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; xác định rõ những thuận lợi cùng khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã tiếp tục tập trung cao xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới đồng bộ, bền vững.
Đường nội bản Chiềng Sơ, xã Chiềng Sơ (Sông Mã) đã được bê tông hóa.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, song từ việc lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, huy động tối đa các nguồn lực, huyện Sông Mã đã tạo ra bước chuyển quan trọng: Chiềng Khương là xã đầu tiên đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các xã: Mường Sai, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Mường Cai, Chiềng Sơ, Nậm Ty đạt từ 5-9 tiêu chí. Tại các địa phương này, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32% năm 2011 xuống 24% năm 2015, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện và dần nâng lên.
Sông Mã đã tăng cường công tác tuyên truyền cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tự giác hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, huy động mọi nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, công trình điện, trường học, trạm y tế... nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, xã Chiềng Khương đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã khác (chiếm 50% số xã) đạt 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trở lên, còn lại đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Bảo đảm thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 18 - 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; 100% số dân tham gia bảo hiểm y tế; 90% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 70% gia đình có chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách kỹ thuật, 75% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; xử lý tốt công tác vệ sinh môi trường...
Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, việc huy động các nguồn lực được triển khai khẩn trương, dù còn khó khăn nhưng nhân dân vẫn tích cực ủng hộ tiền của, công sức lao động và nguyên vật liệu các loại trị giá trên 21,6 tỷ đồng làm đường trục xã, liên xã, thôn, bản, đường nội đồng, kênh mương thủy lợi và các công trình công cộng khác. Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là động lực chính để xây dựng nông thôn mới thắng lợi, huyện chú trọng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, bình quân lương thực đầu người đạt trên 900 kg/người/năm, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; diện tích cây ăn quả hiện có gần 4.779 ha (nhãn chiếm trên 4.200 ha); mô hình vườn tạp được nhân rộng với trên 500 ha cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm; đàn gia súc phát triển tốt với hơn 150.000 con, trồng 324 ha cỏ...
Để hoàn tất chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sông Mã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, sức mạnh đoàn kết toàn dân, quản lý tốt quy hoạch nông thôn mới tại các xã đã được phê duyệt; tuyên truyền, vận động sâu rộng để nhân dân hiểu và tự nguyện, tự giác tham gia. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là tại các xã xây dựng nông thôn mới; phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Xác định rõ các lĩnh vực, chỉ tiêu, tiêu chí cần ưu tiên để đầu tư tập trung, hiệu quả. Sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nguồn lực xã hội hóa lồng ghép các nguồn vốn khác đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh...
Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, huyện Sông Mã dự kiến tổng mức vốn trên 2,7 nghìn tỷ đồng. Sông Mã tập trung xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy nội lực, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất gắn với tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả ở nông thôn gắn với đào tạo, tập huấn, chuyển giao KHKT, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa... phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!