Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta luôn được các cấp hội quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong các phòng trào thi đua; đã và đang đem lại hiệu quả tích cực và đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nuôi ong tại bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu).
Xác định phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm trong ba phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức triển khai tới các cấp hội từ huyện tới cơ sở để các hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Theo số liệu báo cáo tổng kết phong trào giai đoạn 2012 - 2016 của Hội Nông dân các huyện, thành phố, bình quân hàng năm có trên 90.000 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Kết quả bình xét năm 2016 có 29.554 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó: cấp xã có 20.820 hộ; cấp huyện có 6.318 hộ; cấp tỉnh có 2.134 hộ và cấp Trung ương có 282 hộ.
Có thể nói, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, khí hậu để phát triển kinh tế. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh.
Bên cạnh đó, phong trào đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất của tổ chức Hội và các hộ nông dân SXKD giỏi giúp đỡ hộ nghèo có việc làm, vươn lên để trở thành hộ đủ ăn và khá, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Tại các địa phương xuất hiện nhiều mô hình điển hình, nhân tố mới trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất những nông sản hàng hóa có lợi thế đặc trưng của tỉnh, như: Mô hình nuôi cá lồng, bè, vịt trời trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La; mô hình trồng cây ăn quả có múi ở Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên, Thành phố; Mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm nuôi nhốt trâu, bò sinh sản; mô hình chiết, ghép mắt, cấy mô cây ăn quả; áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ISRAEL; ứng dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.
Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn đời sống một cách thiết thực, hiệu quả. Thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Hội các cấp đã được nâng lên; sự phối hợp của Hội với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp được tăng cường; vị thế, vai trò của tổ chức hội trong hệ thống chính trị được khẳng định; “Liên kết 4 nhà” được phát huy trong hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào chiều sâu, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội và hội viên thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp gắn với phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi; chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các mô hình điểm trong công tác hội và phong trào nông dân. Tăng cường công tác phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế cây nông nghiệp hiệu quả thấp; tiếp tục xây dựng và nhân diện Mô hình trồng cỏ có hệ thống tưới ẩm nuôi nhốt bò thịt, bò sinh sản tại các huyện. Phối hợp với các ngành hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp theo hình thức tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã, giúp nông dân phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị và nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn, đồng hành cùng nông dân Sơn La phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!