Ngay sau khi hoàn thành công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La, cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, sản xuất bà con TĐC, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự thống nhất từ xã đến bản.
Các hộ dân TĐC xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) phát triển nghề cơ khí.
Điểm nổi bật trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội của Chiềng Bằng có bước phát triển và thu được nhiều kết quả quan trọng, xã đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách về ổn định đời sống nhân dân TĐC; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân nhân tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm được quan tâm. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất TĐC và Chương trình 30a, xã đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, gắn với tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân. Đặc biệt, từ nguồn vốn của dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, hệ thống cơ sở hạ tầng của Chiềng Bằng từng bước được đầu tư xây dựng đồng bộ, cả xã có 24 bản, trong đó 19 bản TĐC thủy điện Sơn La, đến nay 24 bản đã có đường ô tô đi được 4 mùa, 19 bản TĐC có nhà văn hóa và nhà lớp học kiên cố. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,5%.
Do phần lớn diện tích đất sản xuất bị ngập, xã tập trung vận động bà con đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, khai thác mặt nước nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La và phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Trong đó, đã thành lập 1 HTX thủy sản, diện tích nuôi đạt trên 70 ha, với tổng số 155 lồng cá; 2 HTX cơ khí đóng thuyền sắt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động, năm 2016, xã tiếp tục thành lập thêm 3 HTX nuôi thủy sản, thu hút khoảng 200 lao động địa phương.
Ông Lò Văn Hom, bản Bung chia sẻ: Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất TĐC, năm 2013, gia đình tham gia HTX thủy sản, đầu tư nuôi 4 lồng cá, chủ yếu là cá trắm, chép và cá lăng, được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh, cá phát triển tốt, đầu ra ổn định, năm 2013, gia đình thu lãi 36 triệu đồng, năm 2015, tiếp tục đầu tư nuôi thêm 5 lồng, thu lãi 67 triệu đồng.
Còn ông Lò Văn Phích, bản Huổi Pay 1 cho biết: Ngay sau khi ổn định đời sống tại nơi ở mới, gia đình đã mở xưởng cơ khí nhỏ đóng thuyền máy phục vụ nhu cầu của bà con. Trung bình, mỗi năm xưởng đóng được 50 chiếc, trừ chi phí thu nhập gần 100 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động.
Trao đổi với ông Ngần Văn Đưa, Chủ tịch UBND xã, được biết: Đến hết năm 2015, Chiềng Bằng đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Năm 2016, Chiềng Bằng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay, UBND xã đang rà soát, phân tích, đánh giá khả năng hoàn thành xã nông thôn mới, bổ sung kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định nhiệm vụ, nhu cầu đầu tư năm 2016 và tập trung chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn nhân dân thực hiện các tiêu chí còn lại. Trong đó, ngoài các tiêu chí liên quan đến sự đầu tư của Nhà nước, xã tích cực vận động nhân dân hoàn thành tiêu chí về môi trường, đây cũng là tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, phục vụ đời sống và sản xuất. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, đào tạo các nghề phi nông nghiệp; duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống, như rèn, mộc, đan lát, dệt thổ cẩm, chế biến nông sản; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi đại gia súc, nuôi và khai thác thủy sản, khuyến nông cho nhân dân các bản TĐC, phấn đấu năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 8% .
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!