Mường Nưa đổi thay

Những ngày đầu tháng 7, đến bản Mường Nưa, xã Mường Lầm (Sông Mã) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, con đường vốn gồ ghề, lồi lõm trước đây giờ đã được đổ bê tông, những nương ngô, sắn xanh mơn mởn, đồi nhãn ghép sai trĩu quả... một cuộc sống no ấm, đủ đầy đang hiện hữu.

Tuyến đường qua chợ Mường Nưa, xã Mường Lầm (Sông Mã)

được bê tông hóa phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa của nhân dân.

Cùng đi trên con đường bản được đổ bê tông rộng rãi, Trưởng bản Lò Văn Nguộc nói với chúng tôi: Mấy năm trước, con đường này lầy lội khó đi cả lúc mưa lẫn khi nắng, nhưng vì có tuyến giao thương hàng hóa với các xã của huyện, xã Co Tòng, Pá Lông (huyện Thuận Châu) và huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên nên vẫn phải đi, bây giờ thì thuận tiện hơn rồi.

Tìm hiểu được biết, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới với  phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2015, Nhà nước đầu tư 592 triệu đồng, bản đã huy động người dân góp hơn 1,4 tỷ đồng bê tông được hơn 1km đường nội bản, tạo thuận lợi cho người dân đi lại thuận tiện, nhất là 86 hộ dân trong bản mở rộng sản xuất kinh doanh dịch vụ ở chợ Mường Nưa. Tham quan khu chợ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy san sát các dịch vụ sửa chữa điện thoại di động, sửa chữa xe máy, tiệm làm tóc, dịch vụ ăn uống, tạp hóa, đồ điện tử điện lạnh... Anh Lò Văn Thuấn, một hộ kinh doanh tạp hóa ở chợ cho biết: Từ khi tuyến đường chợ Mường Nưa được nâng cấp, việc lưu thông hàng hóa rất thuận lợi, cửa hàng nhà tôi có đầy đủ các mặt hàng để phục vụ nhu cầu của bà con. Mỗi tháng, gia đình tôi thu nhập 20-30 triệu đồng.

Không chỉ con đường, người dân trong bản còn phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước để phát triển kinh tế; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi; Nhà nước hỗ trợ cung ứng giống ngô, phân bón; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh đúng mục đích và có hiệu quả. Bản còn vận động người dân chuyển đổi diện tích đất đồi ngô thu nhập thấp sang trồng sắn và nhãn ghép... Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ giống ngô, phân bón để sản xuất, qua một vài vụ giờ đã thoát được nghèo như hộ các anh Lò Văn Văn, Bạc Cầm Niến... Tới thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Lường Văn Hiểng, được biết, anh chọn mô hình VACR làm hướng đi chính, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cần cù chịu khó, gia đình anh nuôi 40 con lợn, 29 con dê, 2 ao cá giống và 700 cây nhãn, thu nhập hằng năm trên 150 triệu đồng. Còn chị Tòng Thị Niệm thì kết hợp nuôi lợn, cá và trồng nhãn, hiện gia đình chị có hơn 40 con lợn, 1 ao cá giống, 300 cây nhãn; chị còn sản xuất chăn, gối, đệm để bán ra thị trường, tạo việc làm cho 3 nhân công (mỗi tháng 3 triệu đồng/người), mỗi năm gia đình chị thu 150 triệu đồng từ mô hình này.

 Có điều kiện về kinh tế, bà con quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, hiện bản có 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại; 100% hộ được sử dụng điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phụ nữ và trẻ em được chăm sóc y tế đầy đủ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học và THCS hằng năm đạt từ 95% đến 99%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai hiệu quả, bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở bản...

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh và nội lực trong dân, Mường Nưa đang ngày càng đổi mới, phát triển, góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới