Khuyến khích đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Từ năm 2000 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 1.437 công trình nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, 1.364 công trình do UBND xã quản lý, các HTX quản lý 37 công trình, đơn vị sự nghiệp quản lý 22 công trình, tư nhân quản lý 3 công trình và 10 công trình do doanh nghiệp quản lý.

Nhân dân xã Mường Bú (Mường La) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nhìn chung, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện có 38,5% công trình đã được đầu tư xây dựng hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, đến hết năm 2016, toàn tỉnh mới có 50% số hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại phải sử dụng từ những công trình nhỏ lẻ, phân tán hoạt động không ổn định và chất lượng chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác có nhiều hình thức, chủ yếu giao cho cộng đồng xã, bản quản lý, nên hiệu quả không cao. Trong đó, riêng Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn từ năm 2000 đến nay đã thực hiện làm chủ đầu tư xây dựng 164 công trình từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sau nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng, đến nay có 40 công trình không hoạt động và hoạt động kém hiệu quả, những công trình này đều do cộng đồng quản lý. Nguyên nhân, do công tác quy hoạch chi tiết về đầu tư xây dựng chưa được triển khai; việc khảo sát đánh giá lưu lượng và chất lượng nguồn nước, công tác thiết kế chưa bảo đảm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; năng lực về tài chính, trình độ kỹ thuật của nhiều đơn vị tham gia thi công xây dựng còn hạn chế. Đặc biệt, các công trình cấp nước thường phân tán, xuất đầu tư thấp; công tác quản lý sau đầu tư chưa được chính quyền cơ sở coi trọng đúng mức, nhiều công trình hư hỏng không được sửa chữa kịp thời, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của nhiều tổ quản lý, vận hành công trình chưa đáp ứng được yêu cầu, tình trạng tranh chấp nguồn nước tại một số xã, bản chưa được giải quyết triệt để; hầu hết các công trình cấp nước không được tính đủ chi phí giá thành, nên hằng năm không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và trả lương công nhân vận hành.

Thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung nông thôn, tỉnh ta đã triển khai xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và tham gia quản lý công trình cấp nước tập trung nông thôn. Với chủ trương tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ nước sạch phục vụ cộng đồng, từng bước hình thành thị trường nước sạch nông thôn, tạo điều kiện cho mọi người dân được dùng nước sạch, đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức khỏe cộng đồng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu đãi đối với các nhà đầu tư thực hiện xây dựng, tiếp nhận quản lý, khai thác cung cấp nước sạch tập trung tại các xã, bản đặc biệt khó khăn, các xã vùng biên giới; hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án đã được phê duyệt, miễn tiền thuê đất các công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ cộng đồng dân cư nông thôn, cấp bù giá nước sạch, hỗ trợ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân, người quản lý vận hành, khai thác công trình...

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung nông thôn, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, quản lý vận hành, tăng cường kiểm tra và giám sát, điều chỉnh giá nước sạch nông thôn phù hợp theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ cấp nước phát triển bền vững, thúc đẩy việc xã hội hóa hoạt động dịch vụ cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn.

 

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới