Năm 2017, tỉnh ta phấn đấu đạt bình quân 9,5 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới/xã trở lên, trong đó có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Chiềng Đen (Thành phố), Chiềng Sơn (Mộc Châu), Sốp Cộp (Sốp Cộp), Phổng Lái (Thuận Châu), Gia Phù (Phù Yên) và Mường Chanh (Mai Sơn).
Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La tại xã Chiềng Ơn (Quỳnh Nhai).
Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ công tác giúp đỡ các xã trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là các xã còn đạt dưới 5 tiêu chí, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là chương trình làm đường giao thông nông thôn.
Với mục tiêu tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững, trong quý I/2017, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn làm cơ sở phân bổ nguồn ngân sách. Đồng thời, cân đối lại tổng dự toán và các nguồn lực, bảo đảm nhu cầu vốn cho từng công trình, dự án, kế hoạch tổng thể và thứ tự ưu tiên. 3 tháng đầu năm, các huyện, thành phố tiếp tục thi công, hoàn thiện và thanh quyết toán 167 công trình chuyển tiếp từ năm 2016 và chuẩn bị đầu tư, thi công 108 công trình, trong đó, 20 công trình giao thông, 16 công trình thủy lợi, 25 trường lớp học, 10 công trình y tế, 3 công trình điện, 14 công trình nước sinh hoạt, 4 công trình chợ, 12 nhà văn hóa, 4 trụ sở xã. Điểm nổi bật là đến nay toàn tỉnh không có tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, các xã đã thực hiện tốt việc huy động cũng như công khai các khoản đóng góp của nhân dân.
Phong trào làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh, nhân dân tích cực hiến đất, tài sản, đóng góp công lao động cùng tham gia xây dựng và giám sát các công trình. 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã triển khai thi công 826 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài gần 135 km, gồm 18,5 đường trục xã, gần 116,5 km đường liên bản, nội bản, tổng giá trị trên 158 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công, đất đai, tài sản trị giá trên 108 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các huyện đã tăng cường chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất, gắn với thị trường tiêu thụ; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt chương trình hỗ trợ trồng cây ăn quả trên đất dốc, hỗ trợ ghép mắt đối với một số loại cây ăn quả, hỗ trợ dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La. Đặc biệt, trong quý I, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi và thành lập mới 33 HTX, nâng số HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 lên 209 HTX, trong đó, 29 HTX sản xuất nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, 23 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, tỉnh ta đang tập trung hoàn thiện, ban hành và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp; rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng nông thôn mới các xã theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đề án nông thôn mới cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở. Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, xã có tiêu chí thấp, các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2017 và có giải pháp thu hút, huy động các nguồn vốn tại địa phương. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; củng cố và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, như chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, cây công nghiệp, rau an toàn; có giải pháp thúc đẩy phát triển các lĩnh vực, sản phẩm còn khó khăn như sản xuất lâm nghiệp, rau củ quả, lúa hàng hóa. Phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản, gắn với phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế tập thể, trang trại, hộ gia đình, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!