Huy động các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 13/5/2015 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La đến năm 2020, đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn của tỉnh.

Mô hình nuôi cá lồng trên hồ sông Đà tại xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).

 

Bám sát các giải pháp Nghị quyết đề ra, các địa phương đã tích cực lồng ghép các nguồn vốn, lựa chọn ưu tiên công trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chú ý đến phát triển sản xuất và tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả, tập huấn kỹ thuật, liên kết trong sản xuất hàng hóa nông sản. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động tốt hơn các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 10/9/2015 (thay thế Nghị quyết số 40 và Nghị quyết số 63) quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ sản xuất, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và đầu tư sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; chính sách phát triển khu du lịch cộng đồng, khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; chính sách, cơ chế đặc thù gắn với chương trình giảm nghèo bền vững. Ban hành cơ chế lồng ghép các nguồn vốn, huy động nguồn lực, tập trung đầu tư vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Ưu tiên lựa chọn triển khai các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu, như giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch ở cấp bản, trực tiếp gắn với sản xuất và đời sống, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và nguồn lực sẵn có tại địa phương. Qua đó, nhiều nội dung trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai đảm bảo tiến độ; phong trào làm đường giao thông thôn được nhân dân đồng thuận, tích cực hiến đất, đóng góp vật liệu và ngày công lao động; các địa phương thiếu kinh phí được tỉnh cân đối bổ sung hỗ trợ kịp thời, không để tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đặc biệt các xã đã thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai minh bạch và sự tự nguyện của nhân dân. Sản xuất nông nghiệp được duy trì ổn định và phát triển; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, hoạt động hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Đến 30/6/2016, toàn tỉnh đạt bình quân 7,28 tiêu chí/xã, có 66 xã đạt từ 8 tiêu chí trở lên; trong đó, ngoài 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, năm 2016 có 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương là điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới; trong đó, vấn đề môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất của các xã, chưa được giải quyết đồng bộ. Mục tiêu hết năm 2016, toàn tỉnh đạt bình quân 7,5 tiêu chí/xã, các xã Mường Chiên, Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai); Phổng Lái (Thuận Châu); Chiềng Cọ (Thành phố); Chiềng Pằn (Yên Châu) và Mường Sang (Mộc Châu) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các địa phương đôn đốc các nhà thầu xây dựng đảm bảo tiến độ, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện cho các cộng đồng dân cư xây dựng công trình tự làm và làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù; lồng ghép các nguồn kinh phí khác hỗ trợ xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi và quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản, đảm bảo sản xuất phát triển ổn định. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân thực hiện hợp đồng liên kết trong sản xuất; hỗ trợ kịp thời các sáng lập viên thành lập HTX. Tập trung thực hiện các chính sách tín dụng, hỗ trợ hộ nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chi trả dịch vụ môi trường rừng, mua bảo hiểm y tế, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân và các doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất. Tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng nông thôn mới; chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trước mắt, năm 2016 phấn đấu giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới