Trong giai đoạn 2010-2019, thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã huy động, sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, huy động nhân dân tham gia tu sửa, nâng cấp, xây mới hàng nghìn km đường giao thông nông thôn. Tính đến hết tháng 12/2019, toàn tỉnh có trên 96% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 58 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).
Người dân các bản Lọng Cang, Phiêng Cứu, Pu Khôm, xã Ngọc Chiến (Mường La) tham gia làm đường bê tông vào bản.
Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các ban ngành, tổ chức đoàn thể vận động nhân dân chung sức tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn (GTNT). Nhờ đó, hệ thống GTNT phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong quá trình triển khai, Sở Giao thông Vận tải đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các huyện, thành phố vận dụng các cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa 8.203 tuyến đường bằng bê tông theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, với tổng chiều dài 2.545 km, kinh phí đầu tư trên 2.880 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 1.155 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 175 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 1.550 tỷ đồng. Điển hình về huy động nguồn vốn làm đường GTNT là các địa phương: Mộc Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã, Phù Yên, Sốp Cộp... Các hộ dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét đất, hoa màu, chặt hàng ngàn cây cối để làm đường GTNT... Hạ tầng GTNT được cải tạo, mở rộng, kết nối với mạng lưới quốc lộ, tỉnh lộ không chỉ đáp ứng việc đi lại tốt hơn của nhân dân mà còn thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Đào Tài Tuệ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Những kết quả từ phát triển GTNT gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh. Đặc biệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND ngày 9/10/2015 của HĐND tỉnh về hỗ trợ làm đường GTNT theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp đất đai, giải phóng mặt bằng, tiền của, công sức...”. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ toàn tỉnh đã có những bước phát triển cả số lượng và chất lượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do xuất phát điểm xây dựng NTM của tỉnh thấp (toàn tỉnh có 4 huyện nghèo, có 216 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn). Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn dẫn đến việc huy động nguồn lực trong nhân dân hạn chế. Tỷ lệ đường GTNT được cứng hóa mới đạt 38,6%; tiêu chuẩn kỹ thuật đường GTNT thấp, chủ yếu là 1 làn xe; kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho công tác xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông hạn chế, nên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình đã bị xuống cấp...
Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô được cứng hóa, đi lại trong 4 mùa; 100% các tuyến đường được duy tu, bảo dưỡng; 85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông, ngành Giao thông vận tải đang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, đó là: Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, đôn đốc hướng dẫn thực hiện tốt quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp của UBND tỉnh; rà soát điều chỉnh, bổ sung hệ thống đường giao thông phù hợp với thực tế để lập kế hoạch hàng năm thực hiện quản lý, bảo trì các tuyến đường; thực hiện lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương đảm bảo đầu tư xây dựng hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!