Bản Nong Lào, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) nay đã khác xưa, con đường đất trơn trợt, lầy lội dẫn vào bản đã được thay thế bằng đường bê tông sạch sẽ, phong quang; những đồi sắn, nương ngô, lúa nương giờ đã được phủ xanh bằng đồi chè bát ngát, vườn cà phê trĩu quả bên những dãy nhà sàn kiên cố, khang trang... Diện mạo mới của bản đang từng ngày khởi sắc.
Anh Lò Văn Thong phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng.
Trưởng bản Lò Văn Thoảng cho biết: Bản hiện có 75 hộ với 384 nhân khẩu. Bản có 98 ha đất sản xuất, trước kia bà con chủ yếu trồng các cây nông nghiệp ngắn ngày như: Sắn, ngô, lạc, lúa nương... hiệu quả kinh tế không cao. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ xã, bản nên bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, như: Thâm canh chè, cà phê, trồng các loại cây ăn quả: nhãn chín muộn, thanh long, bưởi và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá. Do vậy, đời sống của bà con được nâng lên đáng kể, hiện bản có 22 hộ khá, giàu, điển hình như hộ các ông: Lò Văn Thong, Lò Văn Chum, Lường Văn Muôn... thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm.
Trao đổi, Trưởng bản cho biết thêm: Chè là cây trồng chủ yếu của bản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân. Hiện, trên địa bàn có 62 ha chè, gồm chè Kim Tuyên và chè lai LDP1, LDP2, trong đó 48 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hơn 500 tấn chè búp tươi/năm, mỗi năm thu nhập 4,5 tỷ đồng. Sản phẩm chè búp tươi được Công ty TNHH Trà Thu Đan ký hợp đồng thu mua, chế biến xuất khẩu sang nước ngoài. Để đảm bảo chè đạt chất lượng xuất khẩu, Công ty đã hướng dẫn bà con cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại và liều lượng cho phép.
Bà con bản Nong Lào, xã Chiềng Pha (Thuận Châu) thu hái chè.
Đón chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, ông Lò Văn Chum, một trong những hộ sản xuất giỏi ở bản, cho biết: Gia đình có 2 ha chè, 1 ha cà phê. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn, lúa nương hiệu quả kinh tế không cao. Qua đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất chè, cà phê ở xã Phổng Lái (Thuận Châu), tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng chè lai LDP1, chè Kim Tuyên và cà phê. Đặc biệt, chè Kim Tuyên là giống chè chất lượng cao, được trồng để xuất khẩu, vì thế gia đình tôi tuân thủ nghiêm ngặt trong sản xuất, nhất là phun thuốc bảo vệ thực vật sau 25 ngày mới thu hái. Mỗi năm gia đình thu được 25 tấn chè búp tươi, bán với giá 11 nghìn đồng/kg chè Kim Tuyên, 7,5 nghìn đồng/kg chè lai NDP1. Bên cạnh đó còn thâm canh 1 ha cà phê, sản lượng 15 tấn quả tươi/năm; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầu tư máy ấp trứng để nhân đàn gà và cung cấp gà con cho các hộ dân trong bản. Tổng thu nhập của gia đình trên 300 triệu đồng/năm.
Thăm trang trại của gia đình anh Lò Văn Thong, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi đồi chè xanh được trồng thành hàng thẳng tắp đang tua tủa những búp non, vườn cà phê trĩu quả. Anh Thong chia sẻ: Gia đình có gần 5 ha đất, trong đó có 2,2 ha chè cành và chè Kim Tuyên; 2 ha cà phê trồng xen bưởi, cam; gần 1 ha trồng thanh long. Thực hiện chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên toàn bộ diện tích cây trồng đều sinh trưởng, phát triển rất tốt, sản lượng chè búp tươi đạt 33 tấn/năm, được Công ty TNHH Trà Thu Đan ký hợp đồng thu mua, chế biến xuất khẩu ra nước ngoài; mỗi năm thu 30 tấn quả cà phê tươi. Ngoài ra, gia đình còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và đào ao nuôi cá... Mỗi năm gia đình thu được 500 triệu đồng.
Diện mạo bản mường đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% số hộ trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Bà con thực hiện tốt hương ước, quy ước của bản; việc hiếu, việc hỷ luôn thực hành tiết kiệm nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Phong trào văn hóa, văn nghệ được duy trì, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của bà con và tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Những thành quả lao động của bà con bản Nong Lào đạt được thật đáng mừng, là minh chứng cho sự đổi thay về nhận thức, trình độ canh tác, tập quán sản xuất của bà con theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!