Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hiện, các ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực triển khai chương trình này với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, qua đó, tạo động lực tiếp sức cho các địa phương trong tỉnh để xây dựng nông thôn mới bền vững.
Người dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) thu hoạch mía.
Tỉnh ta có nhiều sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh để xây dựng mỗi xã một sản phẩm, như: Nhãn Sông Mã, cá sông Đà, na Mai Sơn; chè, sữa Mộc Châu; sơn tra Ngọc Chiến và Bắc Yên… Tỉnh ta đã và đang triển khai các quy hoạch ngành, sản phẩm có khả năng cạnh tranh, kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển thủy sản; phát triển vùng nguyên liệu mía đường tập trung; vùng trồng cà phê tập trung; vùng sản xuất chè an toàn; vùng sản xuất rau an toàn; vùng sản xuất quả an toàn tập trung; phát triển bò sữa; nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tầm; phát triển vùng nguyên liệu bông vải; phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu. Đến nay, đã hình thành các cơ sở sản xuất rau an toàn tập trung ở Mộc Châu, Yên Châu, Thành phố, Mường La và Phù Yên... Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, các hộ gia đình đầu tư sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Toàn tỉnh hiện có 112 doanh nghiệp, 323 hợp tác xã sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, có 17 doanh nghiệp, 78 hợp tác xã có thu nhập bình quân trong trồng trọt từ 200 triệu đồng/ha đất sản xuất, chăn nuôi từ 200 triệu đồng/năm, nuôi thủy sản 1 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên và trên 1.109 hộ có thu nhập từ trồng trọt 300 triệu đồng/ha đất sản xuất, chăn nuôi 300 triệu đồng/năm, nuôi thủy sản 2 tỷ đồng/ha mặt nước trở lên.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được tỉnh đặc biệt quan tâm, đã thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển 47 chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn, sản phẩm đang tiêu thụ tốt, gồm 15 chuỗi rau, 25 chuỗi quả, 2 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi mật ong, 4 chuỗi thủy sản. Đến nay, tỉnh ta đã có 9 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, gồm: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La... Đây là lợi thế lớn để các địa phương xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, tạo sản phẩm chủ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc biệt là các sản phẩm từ nghề truyền thống chưa cao. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; vấn đề thương mại hóa sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; việc tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh còn thụ động, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao.
Để thực hiện được mục tiêu “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiệm vụ trước mắt là các địa phương điều tra, khảo sát, thu thập thông tin đầy đủ, chính xác các sản phẩm thế mạnh ở mỗi vùng, quy hoạch hướng phát triển và xây dựng Đề án triển khai thực hiện. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì xây dựng Đề án; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ được phân công của các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành phố trong tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trong việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; tổng hợp các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, xác định các sản phẩm nông sản đặc trưng, lợi thế của địa phương đưa vào Đề án chung của tỉnh. Trong đó, lựa chọn một sản phẩm chủ lực gắn với doanh nghiệp, HTX để triển khai mô hình thí điểm của Đề án.
Với những tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, tỉnh ta quyết tâm xây dựng, triển khai thành công chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!