Hợp tác xã Hưng Thịnh, Tiểu Khu 3, xã Mường Bú (Mường La) được thành lập với mục đích ban đầu là liên kết các hộ sản xuất để chủ động tiêu thụ quả táo tại địa phương.
Anh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh kiểm tra mắt ghép trên cây táo.
Thấy cây táo trồng ở địa phương từ những năm 1990 cho năng suất và chất lượng thấp, tiêu thụ khó khăn, anh Nguyễn Đình Hướng, ở Tiểu Khu 3, xã Mường Bú đã tích cực truy cập, tìm hiểu trên mạng Internet về các giống táo mới và kỹ thuật ghép cải tạo để cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2009, anh Hướng về Viện nghiên cứu rau quả Trung ương xin giống táo đại ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mang về trồng và ghép thành công ở địa phương, với thời gian thu hoạch quả từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch, năng suất năm đầu đạt 7-8 tấn/ha; từ năm thứ 2 trở đi đạt 15-20 tấn/ha. Đặc biệt, giống táo đại quả rất to, trọng lượng trung bình quả từ 70-100 gam/quả, khi chín màu vàng sáng, ăn giòn, ngọt mát, được người tiêu dùng ưa thích.
Sau khi ghép cải tạo thành công, cho ra sản phẩm quả táo ngon, mẫu mã đẹp, nhưng khi đó đầu ra còn bấp bênh do bị thương lái tranh mua, ép giá. Anh Hướng lại tích cực tìm hiểu các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thấy mô hình Hợp tác xã kiểu mới rất phù hợp để giúp liên kết các hộ trồng táo, năm 2014, anh Hướng vận động 7 hộ trồng táo ở địa phương tham gia thành lập Hợp tác xã Hưng Thịnh, cùng góp vốn mua một xe ô tô tải 3,5 tấn, trị giá 600 triệu đồng để vận chuyển táo đi bán ở các chợ trong tỉnh và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Hà Nội... Nhờ vậy, chủ động được đầu ra cho sản phẩm, không bị tư thương ép giá như trước. Năm 2015, giá táo bán buôn tại vườn đạt từ 30.000-35.000 đồng/kg. Hợp tác xã Hưng Thịnh đã thu mua táo trên địa bàn về Hà Nội tiêu thụ từ 2-2,5 tấn táo/ngày. Riêng gia đình anh Hướng có 1,5 ha táo ghép, thu hoạch được gần 30 tấn quả, trừ chi phí, lãi 500 triệu đồng. Theo tính toán của anh Hướng, vườn táo của nhà năm 2016 này sẽ cho sản lượng gần 40 tấn quả, lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng.
Ông Lò Văn Tân, 55 tuổi ở Tiểu khu 3, xã Mường Bú, cho biết: Gia đình tôi được anh Hướng giúp ghép cải tạo vườn táo sang giống mới có năng suất, chất lượng và cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, khi được vận động tham gia Hợp tác xã, tôi đồng ý ngay. 3 năm qua, Hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả, công khai, minh bạch. Các thành viên luôn đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định và tạo thêm nhiều việc làm mới. Riêng gia đình tôi, được Hợp tác xã cho vay 40 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, dê và gà thả vườn. Từ hộ cận nghèo, bây giờ gia đình tôi đã có của ăn, của để.
Từ năm 2015 đến nay, Hợp tác xã đã cho 6 hộ thành viên vay vốn ưu đãi với mức từ 30-100 triệu đồng/hộ để đầu tư sản xuất. Tháng 8 vừa qua, Hợp tác xã tham gia “Tuần hàng Sơn La tại Hà Nội năm 2016” do tỉnh tổ chức, bán được 3 tấn quả nhãn ghép với giá từ 40.000-45.000 đồng/kg, cao hơn giá bán ở địa phương từ 10.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, đã có doanh nghiệp mua 2 tạ quả nhãn của Hợp tác xã để xuất sang thị trường Châu Âu. Hiện, Hợp tác xã Hưng Thịnh đang áp dụng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP và phấn đấu cuối năm 2016 sẽ có một số sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Đến nay, Hợp tác xã Hưng Thịnh đã có 15 thành viên tham gia, tổng diện tích đất sản xuất hơn 20 ha, vốn điều lệ đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Ngoài sản phẩm chủ lực là quả táo, các thành viên Hợp tác xã Hưng Thịnh còn trồng mới và ghép cải tạo để cho ra các loại quả đạt chất lượng cao như: Thanh long ruột đỏ, nhãn ghép, xoài ghép giống Đài Loan, táo lai, bưởi da xanh, chanh đào, na thái.... Đồng thời, mở thêm các ngành nghề kinh doanh gồm: Xây dựng, cơ khí, bách hóa tổng hợp với tổng doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho con em các thành viên và tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động trong xã, mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!