Vụ bí đỏ năm nay, người dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn nhận kết quả trái ngược hẳn với vụ năm ngoái. Thay vì thu hoạch để xuất bán, bà con trong vùng đành cho không hoặc chất ngổn ngang vệ đường, gầm sàn, trên nương... hàng trăm tấn bí của nông dân không biết bán cho ai, bởi một lý do: Dư cung và mất giá!.
Bí đỏ của gia đình ông Dương Văn Vịnh, bản Cao Sơn,
xã Chiềng Sung (Mai Sơn) chất đống ở kho, không tiêu thụ được.
Sản xuất theo phong trào...
Chiềng Sung hiện có khoảng 2.000 ha đất sản xuất, chủ yếu là trồng ngô hàng hóa. Gần đây, do giá ngô xuống thấp, không ít bà con tự chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng dong riềng, nghệ và bí đỏ. Năm 2016, bí đỏ được giá, vậy là bà con ồ ạt mở rộng diện tích, nhiều nhất là các bản: Cang A, Cang B, Búc A, Búc B, Cao Sơn và Noong Sơn. Từ gần 100 hecta trồng bí 2 vụ năm 2016, năm nay, Chiềng Sung đã chuyển khoảng 180 ha ngô kém hiệu quả sang trồng các giống bí đỏ quả tròn, bí đỏ quả dài... Bởi tự phát, đến vụ thu hoạch, sản phẩm bí đỏ của bà con bị tư thương ép giá xuống rất thấp, phải chịu lỗ tới 20 triệu đồng/ha, thậm chí nhà nào trồng toàn bộ giống bí quả tròn là mất trắng (tư thương không mua loại này). Vậy là, nhiều người dân không biết lấy đâu tiền để trả khoản vay ngân hàng?
Cao Sơn là bản có diện tích trồng bí lớn nhất xã, chỉ 35 hộ mà trồng gần 60 ha. Ông Dương Văn Vịnh là một điển hình, vụ bí năm nay, nhà ông đầu tư 55 triệu đồng trồng 2 ha (Năm ngoái, ông trồng 1,5 ha, thu hoạch gần 15 tấn quả/ha 2 vụ, lãi trên 20 triệu đồng/ha/vụ). Năm nay, gia đình ông lỗ hơn 20 triệu đồng/ha sau khi trừ hết tiền công, phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hái, vận chuyển. Ông Vịnh buồn bã: Năm ngoái, bí đỏ bán được hết với giá dao động từ 3.000-7.000 đồng. Thấy có lãi, năm nay tôi vay ngân hàng 55 triệu đồng mở rộng diện tích. Nào ngờ bí mang về nhà hơn 1 tháng, mất gần chục triệu đồng tiền vận chuyển mà vẫn phải bỏ đi, trên nương vẫn còn gần 1 nửa sản lượng bí chưa thu hoạch đành bỏ không vì tiền công vận chuyển những 16.000 đồng/bao!
...Và hậu quả của việc hợp đồng “miệng”
Nói đi cũng phải nói lại, quá trình trước khi bước vào vụ trồng bí năm nay, một số HTX và tư thương đóng trên địa bàn xã đã bán giống và hứa bao tiêu sản phẩm cho bà con (Tất nhiên là chỉ hợp đồng “miệng”). Theo ông Hoàng Văn Long, Trưởng bản Cao Sơn thì lý do mà các HTX và tư thương đưa ra để không thu mua là mẫu mã bí không đẹp, nhưng thực chất họ ép giá để kiếm lời. Vậy là vụ bí của bà con thất bại hoàn toàn. Thêm nữa, còn do thời tiết khắc nghiệt khiến bà con không bảo quản được sản phẩm. 10 tấn quả thương lái chỉ chọn mua 2 tấn với giá gần 2.000 đồng/kg, số còn lại 500 đồng/kg cũng không có người mua.
Hợp đồng “miệng” giữa người nông dân với tư thương đã để lại hậu quả khôn lường. Trong thời gian qua, đã có nhiều sản phẩm của nông dân trên toàn quốc, như dưa hấu, thịt lợn, chuối... lâm vào cảnh phải “giải cứu”. Vậy mà những người nông dân ở đây vẫn trồng bí theo phong trào, tự phát, đặt niềm tin vào những lời hứa không có sự ràng buộc về mặt pháp lý nào. Bài học đắt giá là hàng trăm tấn bí đỏ, sản phẩm “mồ hôi, nước mắt” của họ đang bị phân hủy.
Giải pháp nào cho sản phẩm bí đỏ?
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo xã, ông Nguyễn Văn Hào, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung, cho biết: Trong thời gian qua, xã đã chuyển một số diện tích trồng ngô không hiệu quả sang trồng bí hai vụ. Năm 2017, diện tích bí tăng nhanh, lên tới gần 180 ha. Tuy nhiên, do giá cả xuống thấp, thời tiết không thuận lợi, đúng lúc bí cho thu hoạch thì trời mưa liên tục khiến bí bị nấm mốc, năng suất giảm. Năm 2016, bà con thu 15 tấn/ha, nhưng vụ này chỉ thu được 2 tấn/ha. Hiện nay, lượng bí đang tồn trong dân phần lớn là bị nấm mốc, sâu đục quả, xã đã kêu gọi các hộ, trang trại thu mua giúp bà con để làm thức ăn chăn nuôi. Xã khuyến cáo người dân không chạy theo phong trào, phải chọn loại cây trồng phù hợp với địa phương; vận động các doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho bà con; đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật để đạt năng suất cao...
Qua thất bại của vụ bí năm 2017, cho thấy người nông dân Chiềng Sung đang gặp khó trong mối liên kết “4 nhà”. Các cấp chính quyền huyện Mai Sơn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nông dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp, chú trọng tập huấn kỹ thuật; đồng thời, rà soát, định hướng quy hoạch vùng sản xuất; thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết “4 nhà”. Trước mắt, rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị chung tay, tìm giải pháp để giúp đỡ bà con giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!