Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, nhiều thanh niên ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Sơn đã biết tận dụng những lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương của mình.
Mô hình trồng cây ăn quả của đoàn viên Sùng A Lọng, bản Noong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn).
Sinh ra và lớn lên ở xã Hát Lót, chàng thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Tiến, bản Lọng Khoang đã không chỉ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô, mía sang trồng cây ăn quả mà còn tuyên truyền, vận động 7 đoàn viên, thanh niên trong bản chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất thành lập HTX Tiến Tiến vào tháng 4/2017. Đến nay, HTX đã phát triển lên 15 thành viên ở các xã Chiềng Mai, Mường Bon, với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 30 ha, trong đó 18 ha trồng xoài, 3 ha nhãn, 3 ha bưởi, 3 ha chanh leo và 3 ha trồng rau màu các loại… Anh Lò Văn Tiến, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với mục đích nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của HTX, các thành viên thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất an toàn do huyện tổ chức. Ngoài ra, các thành viên còn tự học tập kinh nghiệm qua các video hướng dẫn trên internet và trao đổi kiến thức, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX có 15 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất quy trình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, HTX thu được 80 tấn xoài Đài Loan, 25 tấn nhãn, 50 tấn chanh leo, thu hoạch các loại rau màu theo mùa vụ với tổng doanh thu hơn 2 tỷ đồng; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.
Còn anh Sùng A Lọng, dân tộc Mông ở bản Nong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm được biết đến là một trong những thanh niên tiêu biểu vươn lên làm giàu ở địa phương. Bằng tinh thần tự học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Lọng là hộ đầu tiên của xã Phiêng Cằm mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, vườn cây ăn quả của gia đình anh đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao gấp hàng chục lần so với trồng ngô sắn. Anh Lọng chia sẻ: Năm 2015, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã đầu tư mua cây giống, chuyển đổi 1.000 m² đất trồng ngô sang trồng cam đường canh, cam lòng vàng. Thông qua việc học trên mạng internet và tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình trồng cây ăn quả do đoàn viên thanh niên làm chủ trên địa bàn huyện, tôi nắm bắt kỹ thuật để ứng dụng vào trồng, chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. Chủ động các biện pháp phòng chống bệnh ở cây để vườn cây phát triển tốt, cho đều quả, đẹp mã. Năm 2020, gia đình thu được 6 tấn cam, quýt các loại, thu về gần 200 triệu đồng.
Trên đây mới chỉ là 2 trong số nhiều tấm gương thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu của huyện Mai Sơn đã chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Được biết, để tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, Huyện Đoàn Mai Sơn đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn. Đồng thời, vận động, khuyến khích nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên, như: Tổ hợp tác thanh niên, hợp tác xã thanh niên, câu lạc bộ “Chủ trang trại trẻ”. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập 1 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, duy trì hoạt động hiệu quả đối với 24 HTX, 1 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ. Đặc biệt, Huyện Đoàn đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ thanh niên vay vốn làm kinh tế.
Các mô hình kinh tế hiệu quả do đoàn viên, thanh niên làm chủ đã khẳng định tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ huyện Mai Sơn, không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!