Nghề nuôi ong mật ở Chiềng Mung

Nghề nuôi ong lấy mật đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các hộ nuôi ong ở xã Chiềng Mung (Mai Sơn), góp phần tăng thu nhập bình quân của xã lên hơn 30 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 9,6% (năm 2018). Nghề nuôi ong mật có ưu điểm không gây ô nhiễm môi trường, có khả năng tận dụng tốt nguồn lao động. Song, đòi hỏi người nuôi ong phải nắm vững kỹ thuật, kiên trì, tỉ mỉ theo dõi sự phát triển của đàn ong để có phương pháp điều chỉnh kịp thời.

Người dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) kiểm tra sự sinh trưởng của đàn ong.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều loại cây ăn quả, nguồn hoa phong phú, đa dạng... thuận lợi cho đàn ong phát triển, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng các mô hình nuôi ong; phối hợp với Hội Nuôi ong tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật quy trình kỹ thuật nuôi ong mật, chăm sóc ong, khai thác mật, phấn hoa, phương pháp sang thùng, chia đàn ong, kiểm tra, đánh giá đàn ong... Đến nay, toàn xã có hơn 20 hộ nuôi ong mật, với 1.500 đàn; nhiều hộ có vài trăm đàn, điển hình như hộ các ông: Hồ Văn Sâm, Hà Văn Loan (bản Nà Hạ); Lưu Văn Nam, Nguyễn Văn Định (tiểu khu Nà Sản)... theo kinh nghiệm của những hộ nuôi ong nhiều năm, mật ong thường được khai thác 4 vụ ở các nguồn hoa khác nhau: Mật ong hoa cỏ lào khai thác từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau; mật ong hoa dẻ, hoa rừng từ tháng 2 đến tháng 5; mật ong hoa nhãn từ tháng 3 đến tháng 4; mật ong hoa đơn kim từ tháng 8 đến tháng 10. Ngoài mật ong, các gia đình còn có thể khai thác được nhiều sản phẩm khác, như: Sữa ong chúa, phấn hoa, sáp ong, keo ong, nọc ong, nhộng ấu trùng ong... đây là các sản phẩm có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Gia đình ông Hồ Văn Sâm, bản Nà Hạ 2 là một trong những gia đình có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong mật. Ông Sâm chia sẻ: Ban đầu, gia đình tôi nghiên cứu giống ong bản địa (Apis Cerana) sinh sống hoang dã mang về nuôi trong đõ gỗ. Tuy loại ong này cho sản phẩm, chất lượng mật tốt, nhưng năng suất thấp (chỉ 5 đến 7 kg mật/đàn/năm). Sau này, gia đình chuyển sang nuôi giống ong ngoại (Apis Mellifera) nhập khẩu từ Italia, loại ong này cho năng suất và chất lượng cao hơn (30 - 40 kg mật/đàn/năm). Với gần 600 đàn ong ngoại hiện có, một năm thu bốn vụ, giá bán từ 100 - 150 nghìn đồng/kg mật, tùy thuộc từng vụ thu hoạch, trừ hết chi phí còn được 600 triệu đồng/năm.

Còn gia đình ông Lưu Văn Nam, tiểu khu Nà Sản hiện có hơn 100 đàn ong ngoại, sản lượng 4 tấn mật/năm, thu về hơn 150 triệu đồng/năm. Ông Nam cho hay trong quá trình chăm sóc đàn ong, phải thường xuyên theo dõi thời tiết để kịp thời xử lý trường hợp ong tách đàn, bởi ong mật có đặc tính tổ chức rất cao, lại nhạy cảm với thời tiết, ánh sáng, nhiệt độ... vì vậy, người nuôi phải nắm chắc các đặc tính cơ bản này để có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, vệ sinh thùng ong khô ráo, sạch sẽ, để đàn ong khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng mật cao.

Từ hiệu quả cao về kinh tế của nghề nuôi ong mật mang lại, xã Chiềng Mung đang tiếp tục vận động người dân khai thác lợi thế về đất đồi rừng và nguồn hoa sẵn có, đầu tư tăng thêm số lượng đàn ong, ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, phát triển đàn và khai thác mật ong cùng các sản phẩm khác...

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới