Năm học mới ở xã vùng 3 Nà Ớt

Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa như xã vùng 3 Nà Ớt, huyện Mai Sơn, nơi cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thì việc đảm bảo cơ sở vật chất, vận động học sinh đến trường... luôn là vấn đề đặt ra trước mỗi thềm năm học mới.

 

Giáo viên Trường PTDTBT-THCS Nà Ớt hướng dẫn học sinh mới vào lớp 6 sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp.

Theo kế hoạch chung của tỉnh, ngày 14/8 học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông bắt đầu tựu trường. Ngay từ những ngày đầu tháng 8, giáo viên, học sinh và phụ huynh Trường Phổ thông dân tộc bán trú - trung học cơ sở Nà Ớt (Mai Sơn) đã tập trung chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Thầy Lê Trung Thuận, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Năm học 2016-2017, Trường được sự quan tâm của Nhà nước đầu tư sửa chữa khang trang, sạch, đẹp với 8 phòng học xây dựng kiên cố. Để đón học sinh bước vào học tập chính thức, nhà trường ra quân tổng vệ sinh dọn dẹp xung quanh trường, khu vực lớp học, nhà bán trú, bếp ăn. Đồng thời, nhà trường tiến hành rà soát học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để cho các em mượn sách tại thư viện; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh về quần áo, sách vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, bảo đảm để tất cả học sinh được đến trường.

Để đảm bảo cơ sở vật chất và sỹ số học sinh đến lớp, chuyện đơn giản đối với các trường miền xuôi, nhưng với xã vùng sâu, vùng xa - nơi mà phụ huynh chỉ có thể đóng góp xã hội hóa giáo dục bằng tranh tre và sức lao động, thì đây thực sự là vấn đề khó. Hơn nữa, ở đây, học sinh học đến trung học cơ sở đã phải phụ giúp gia đình tăng gia, sản xuất nên việc các em bỏ học đi làm nương không tránh khỏi. Nhằm đảm bảo 100% các em trong lứa tuổi được đến trường, đầu tháng 8, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công 12 thầy, cô giáo làm 3 nhóm trực tiếp đến các bản xa xôi, hẻo lánh nhất của xã cách trường từ 10 đến 20 km, như: Lung Cuông, Sún Hom, Nà Un, Nặm Lanh, Huổi Kẹt, Hin Đón để vận động học sinh đi học đầy đủ. Trực tiếp vận động học sinh, thầy giáo Phạm Hoàng Thái cho biết: Năm nay, thời tiết mưa, bão bất thường, nước suối lũ lên cao, đường đi đất đá sạt lở. Nhưng chúng tôi vẫn đến từng nhà, để tuyên truyền học sinh trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè. Gia đình học sinh thì không ở tập trung, lại đang mùa thu hoạch ngô, nên có nhà phải đến lần thứ 2 mới gặp được phụ huynh và học sinh. Song có vất vả đến đâu, chúng tôi cũng làm hết sức vì học sinh thân yêu. Cô Cầm Thanh Điệp, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B còn nhớ: Năm học 2016-2017, lớp tôi chủ nhiệm có một em học sinh tên là Lò Thị Phương, nhiều lần bố mẹ bắt em nghỉ học để ở nhà đi làm nương. Không quản ngại đường xá đi lại vất vả, chúng tôi đi bộ vào tận bản Hin Đón gặp gỡ tuyên truyền, vận động nên gia đình đã cho em đi học lại. Năm học đó, em Phương đạt học sinh tiên tiến, thành tích học tập của em đã không phụ lòng thầy, cô giáo.

Nà Ớt hiện có 17 bản với các dân tộc: Thái, Kinh, Sinh Mun, Khơ Mú, Mông sinh sống. Nhiều bản, đường giao thông đi lại còn rất khó khăn, nằm cách trường từ 10 đến 20 km, song sự tâm huyết của các thầy, cô giáo vùng cao đã được người dân thấu hiểu và ghi nhận, dần hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, giúp con em có kiến thức để sau này có cơ hội thoát nghèo. Không ít gia đình dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn cố gắng cho con đến trường. Vì vậy, năm học mới này, Trường PTDTBT-THCS Nà Ớt sẽ đón 311 học sinh ra lớp. Hiện có 305 em đã nhập học, còn 6 em nữa chưa đến trường. Nhà trường cử giáo viên tiếp tục đến tận nhà để vận động học sinh ra lớp.   

Là xã đặc biệt khó khăn, đường giao thông đi lại vất vả, nên Trường Phổ thông DTBT-THCS Nà Ớt (Mai Sơn) như mái nhà chung thứ 2 đối với thầy, cô giáo và học sinh vùng cao này. Hiện, 100% gia đình của thầy, cô giáo trong trường đều ở xa, nên phải ở lại tập thể của trường. Đến trưa ngày thứ 7 hằng tuần, cán bộ, giáo viên mới được về thăm nhà. Khu bán trú của trường dành cho học sinh hiện có 18 phòng, mỗi phòng có 15-20 em. Cô giáo Cầm Thanh Điệp đang hướng dẫn các em mới vào lớp 6 cách giữ vệ sinh phòng ở, gấp chăn màn gọn gàng, ngăn nắp, chị tâm sự: Kể từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh ở xa không phải đi về trong ngày, được hỗ trợ ăn ở tại trường. Tại trường, các em được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập. Đứng bẽn lẽn, chăm chú nghe cô giáo căn dặn, em Giàng Thị Lý, dân tộc Mông ở bản Lụng Cuông, nói: Năm nay, em lên lớp 6, là năm đầu tiên em xa nhà đi học, mấy ngày đầu, em rất nhớ nhà. Nhưng được thầy cô và bạn bè quan tâm, giúp đỡ, em thấy đỡ nhớ nhà hơn nhiều. Em sẽ nỗ lực vượt khó để theo đuổi ước mơ học tập của mình.

Chia tay Nà Ớt, chúng tôi biết hành trình “gieo chữ” của các thầy cô ở vùng cao nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả, song nhiệt huyết, trách nhiệm và nhất là tình yêu nghề đã và đang giúp cho các thầy, cô giáo từng ngày cần mẫn “gieo mầm” cho những ước mơ của học sinh vùng cao. Chúc cho hành trình “gieo chữ” của thầy cô giáo nơi vùng cao này có thêm nhiều “quả ngọt” trong năm học mới đã đến gần.

Năm học 2017-2018, Trường PTDTBT-THCS Nà Ớt tăng 53 học sinh so với năm học trước. Riêng khối lớp 6 đầu vào năm nay, Nhà trường đón 94 em vào học, được chia làm 3 lớp. 
Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới