Mường Bon phát triển mô hình nuôi thủy sản

Trên con đường dẫn về xã Mường Bon (Mai Sơn), ngoài những vườn cây ăn quả xanh thẫm hay vườn rau sạch đang được bà con chăm bón, còn có những mô hình nuôi thủy sản, gắn với dịch vụ giải trí, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho bà con nơi đây.

 

Các hộ dân ở bản Ỏ, xã Mường Bon nuôi cá gắn với dịch vụ ăn uống, câu cá giải trí, tăng thu nhập.

Xã Mường Bon có ưu thế diện tích mặt nước nuôi thủy sản khá nhiều, với nguồn nước dồi dào của 4 hồ nước gồm: Tiền Phong, bản Bon, bản Ỏ và bản Xa Căn, tạo điều kiện cho người dân nơi đây phát huy tiềm năng sẵn có, để xây dựng mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã có khoảng 35 ha mặt nước nuôi thủy sản, thuộc 17 bản, tập trung nhiều ở các bản: Bản Mé, bản Ỏ, bản Bon, Bó Định, với 210 hộ đầu tư phát triển, trong đó 140 hộ phát triển theo hướng hàng hóa, sản lượng khoảng 500 tấn cá các loại/năm. Nhiều hộ chuyển đổi từ 2.000 m2 đến 1,3 ha đất nông nghiệp sang nuôi cá, điển hình là hộ các ông: Tòng Văn Thu, Quàng Văn Hặc, Lèo Văn Xuyến (bản Mé); Hà Văn Thuận, Tòng Văn Toàn, Tòng Văn Hặc (bản Ỏ)... thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm. Theo các hộ nuôi cá cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu nuôi nhỏ lẻ để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, khoảng 7-8 năm trở lại đây, nhiều hộ mở rộng diện tích mặt nước để nuôi cá, một số hộ áp dụng nuôi bằng thức ăn công nghiệp, cá lớn nhanh, tuy nhiên chất lượng sản phẩm cá không cao, chi phí đầu tư nhiều nên bà con quay lại nuôi cá theo phương pháp truyền thống, đó là cho ăn cỏ voi, lá chuối, bột ngô, thóc... Vì vậy, chất lượng cá ở Mường Bon được đánh giá thịt thơm ngon, giòn, săn chắc, giảm chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế cao hơn và được khách hàng ưa thích. Bà con thường nuôi các loại giống cá trắm cỏ, chép, trôi, mè, rô phi đơn tính, những loại cá này phù hợp với nguồn nước và khí hậu ở xã.

Anh Tòng Văn Thu, bản Mé, là một trong những hộ có diện tích mặt hồ nuôi cá lớn nhất xã cho biết: Năm 2002, gia đình bắt đầu nuôi cá nhỏ lẻ, đến năm 2010 mới phát triển nuôi quy mô lớn, với 1,3 ha mặt nước, gồm các loại cá: Trắm cỏ, rô phi đơn tính, mè, chép, mỗi năm cho sản lượng 15 tấn cá thương phẩm. Cá được bán với giá từ 40-90 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu 500 triệu đồng/năm, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong huyện và thành phố Sơn La. Để chăm sóc tốt đàn cá, gia đình tôi thuê từ 3-4 lao động cho cá ăn. Với các thức ăn chủ yếu từ bột ngô trộn với bột cá sông Đà, rau cải già, lá chuối, cỏ voi... Nguồn nước được dẫn từ hồ Tiền Phong về nên môi trường nước trong, sạch, cá ít bị dịch bệnh. Riêng cá rô phi đơn tính lớn nhanh, khoảng 6 tháng có thể xuất với trọng lượng từ 1,4 kg trở lên/con; còn đối với cá trắm cỏ thời gian nuôi từ 1-2 năm, có trọng lượng từ 3-5 kg/con.

Thăm mô hình nuôi cá của gia đình ông Tòng Văn Ngọc, bản Ỏ, ông chia sẻ: Từ năm 1995, gia đình tôi chuyển đổi trên 7.000 m2 đất nông nghiệp trồng rau màu sang đào ao thả cá. Gia đình luôn chú trọng khâu phòng dịch bệnh cho cá, thường xuyên xử lý nguồn nước bằng việc rắc vôi bột khử trùng nên cá ít bị dịch bệnh, hiện trong ao có cá trắm nuôi lâu năm, trọng lượng khoảng 8-10 kg. Mỗi năm xuất bán trên 2 tấn cá thương phẩm, thu 180 triệu đồng. Bên cạnh việc bán cá thịt, gia đình còn xây dựng cảnh quan quanh hồ như trồng hoa, kè bờ, làm nhà nổi, mở dịch vụ ăn uống, kèm câu cá giải trí, trung bình mỗi tuần có khoảng 50-60 lượt khách. Từ dịch vụ trên, mỗi năm thu thêm trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương, với tiền công trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cá ở xã Mường Bon đã đem lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân. Tuy nhiên, để nghề nuôi cá của xã phát triển và có sức cạnh tranh với cá nhập từ miền xuôi, cần có sự liên kết giữa các hộ nuôi cá và thành lập HTX, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm gắn bó với nghề.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới