Phát huy lợi thế, triển khai hiệu quả các dự án để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là định hướng phát triển kinh tế các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn”... Đó là những chia sẻ của Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Trần Đắc Thắng tại buổi tiếp xúc với báo chí đầu năm Đinh Dậu.
Nhân dân xã Chiềng Nơi (Mai Sơn) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Huyện Mai Sơn hiện còn 5 xã đặc biệt khó khăn: Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Nà Ớt, Phiêng Pằn và Tà Hộc; địa hình phức tạp, chia cắt. Với tổng số hơn 5.670 hộ, 33.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Khơ Mú, Thái, Mông, trình độ dân trí còn hạn chế. Việc canh tác chủ yếu vẫn là quảng canh, mang tính tự cung, tự cấp. Do vậy, năng suất cây trồng thấp, bình quân ngô 30 tạ/ha, lúa ruộng 28 tạ/ha, lúa nương 12 tạ/ha, sắn 150 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 30.000 tấn/năm. Chăn nuôi vẫn theo hình thức thả rông; ít quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn vật nuôi. Tình trạng phá rừng làm nương vẫn xảy ra. Tỷ lệ hộ nghèo không đồng đều giữa các xã, nguy cơ tái nghèo cao. Trước những khó khăn đó, huyện Mai Sơn đã có nhiều giải pháp tháo gỡ trong phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn. Tập trung lồng ghép, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế theo hướng thâm canh tăng vụ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ xã, bản và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, đưa các loại giống mới vào gieo trồng. Năm 2016, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ 5 xã vùng đặc biệt khó khăn gần 10 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn: đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình 135, Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn...
Đồng chí Trần Đắc Thắng cho biết thêm: Năm 2016, huyện Mai Sơn đã được phê duyệt Dự án liên kết “Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dê thịt giống địa phương xã Phiêng Cằm, Chiềng Nơi” và “Trồng và tiêu thụ cây mía đường xã Phiêng Pằn”; tham gia Dự án có 207 hộ, với quy mô sản xuất 72 ha. Khép lại năm 2016, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong huyện có những niềm vui không nhỏ, sản lượng lương thực có hạt của 5 xã tăng lên 48.000 tấn; một số cây trồng lâu năm như nhãn, xoài ở xã Chiềng Nơi, Nà Ớt đang được người dân cải tạo, lai ghép, nhằm đem lại năng suất cao hơn. Trong chăn nuôi, bà con tích cực làm chuồng nuôi nhốt, đầu tư phát triển theo hướng bền vững, làm tốt công tác dịch bệnh, nâng tổng đàn trâu, bò lên 9.000 con, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, các HTX trên địa bàn đã phát huy vai trò, thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Anh Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan (Mai Sơn), cho biết: Từ năm 2015, HTX liên kết với Dự án giảm nghèo của huyện xây dựng các dự án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mật ong tại xã Phiêng Cằm, quy mô 600 đàn ong với 150 hộ tham gia, sản xuất và chế biến dong riềng, quy mô 44 ha tại xã Nà Ớt, nuôi dê thịt địa phương tại xã Phiêng Pằn. Đến nay, bước đầu các hộ dân tham gia Dự án đã có sản phẩm bán cho HTX. Việc bao tiêu, thu mua sản phẩm đã mở ra cơ hội cho người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất bền vững, từng bước vươn lên thoát nghèo. Các hộ dân tham gia Dự án được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhân rộng các mô hình.
Bước sang năm 2017, để đạt được các mục tiêu giảm nghèo tại các xã vùng cao, huyện Mai Sơn tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, trong đó, tập trung tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy sản xuất phát triển; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, từng bước nâng cao mức sống của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!