Đổi thay trên Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm quê hương cách mạng Mường Chanh (Mai Sơn) - khu căn cứ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, được nghe những nhân chứng lịch sử kể lại những chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và được tận mắt chứng kiến những chuyển mình trong phát triển kinh tế, xã hội trên vùng đất Anh hùng.

 

Một góc trung tâm xã Mường Chanh (Mai Sơn).

Ảnh: Phan Hưng

 

Ký ức hào hùng

 

Theo thông tin từ đồng chí Tòng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã: Đội du kích năm xưa giờ chỉ còn lại 2 người là cụ Lò Văn Chim và Lò Văn Mộc đã ở tuổi xưa nay hiếm.

 

Ở tuổi 97, nhưng cụ Lò Văn Chim, nguyên chiến sỹ đội du kích Mường Chanh năm ấy, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, hiện ở bản Nong Ten, còn khá minh mẫn, cụ kể: Mường Chanh vốn là mảnh đất của phìa, tạo (quý tộc Thái), nhân dân vô cùng cực khổ. Một năm, người dân đói đến mấy tháng, phải lên rừng đào củ nâu về ăn trừ cơm. Đất ruộng thì rộng, nhưng những ruộng tốt thì đều thuộc quyền cai quản của phìa, tạo.

 

Qua lời kể của nhân chứng sống và lật từng trang sử hào hùng, chúng tôi như được sống trong không khí sục sôi cách mạng. Đầu năm 1943, khi điều kiện đã chiến muồi, Chi bộ nhà ngục Sơn La đã bí mật thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở Sơn La  - Đó là “Đoàn thanh niên cứu quốc (tiếng Thái gọi là “Mú nóm chất mương”) gồm 2 tổ: ở tỉnh lỵ và huyện Mường La. Sau cuộc vượt ngục thành công của tù nhân chính trị của nhà tù Sơn La, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, các tổ thanh niên cứu quốc rút vào hoạt động bí mật hoặc tạm thời ngừng hoạt động để chờ thời cơ. Theo chỉ đạo của Chi bộ, đồng chí Chu Văn Thịnh được giao nhiệm vụ tìm địa bàn thuận lợi để xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ địa cách mạng sau này. Sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, đồng chí Chu Văn Thịnh báo cáo với Chi bộ nhà ngục Sơn La chọn địa bàn xã Mường Chanh (Châu Mai Sơn) để xây dựng phong trào. Xã Mường Chanh cách tỉnh lỵ khoảng 20 km, giao thông thuận lợi, có các đường đi Mai Sơn, Thuận Châu và sang Lào. Dân cư ở đây đông đúc, đất đai phì nhiêu, ở Mường Chanh có rất nhiều thanh niên đi học ở tỉnh lỵ, có người làm việc ở tòa sứ Sơn La, nhiều người trong số họ đã được các chiến sỹ cộng sản trong nhà ngục tuyên truyền giác ngộ. Mường Chanh có địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là một địa bàn có điều kiện để phát triển thành căn cứ địa lâu dài. Tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh “Mũ nóm chất mương” ra đời, gồm 12 hội viên đã nhanh chóng thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên, hạt nhân phong trào khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Mai Sơn. Từ đây, ánh sáng cách mạng của Đảng đã soi sáng đến từng bản làng, nhanh chóng cảm hóa, giác ngộ được đông đảo quần chúng nhân dân theo Đảng làm cách mạng. Khi đó, chàng thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Chim được tổ chức giác ngộ, làm liên lạc cho cách mạng; để tránh tai mắt của kẻ địch, hàng ngày phải ngụy trang bằng cách đi chăn trâu, bắt cá ở suối. Sau đó, được tham gia Đội thanh niên cứu quốc Mường Chanh; nhiều lần giả làm người buôn trâu, đưa trâu về xuôi để bán đổi lấy tiền mua vũ khí và tham gia đội du kích từ Mường Chanh về giải phóng nhà ngục Sơn La...

 

Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, đến năm 1998, Mường Chanh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Năm 2006, khu căn cứ cách mạng Mường Chanh được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử.

 

 

Cụ Lò Văn Chim, nguyên chiến sĩ đội du kích Mường Chanh và vợ kể lại những câu chuyện năm xưa.

 

Năng động trong đổi mới

 

Phát huy truyền thống Anh hùng cách mạng, Mường Chanh đang đoàn kết xây dựng bản mường giàu mạnh, là một trong những xã đi đầu trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Mai Sơn. Mường Chanh nổi tiếng với đặc sản gạo nếp tan; hiện giống lúa nếp tan nhe Mường Chanh được gieo trồng ở bản Hịa, Lọng Nặm, Nong Ten và một số bản có diện tích ruộng dọc suối Nặm Chanh, khoảng gần 30 ha, sản lượng hơn 120 tấn thóc/năm. Xã đã thành lập được 3 HTX sản xuất giống nếp tan nhe, với hi vọng mang lại thu nhập cho người dân và giữ gìn giống lúa đặc sản không bị mai một.

 

Là một trong 3 HTX trồng nếp tan nhe, anh Lò Văn Dong, Giám đốc HTX Lọng Nặm, cho biết: HTX được thành lập cuối năm 2017 với 37 thành viên, diện tích canh tác 3 ha. Giống lúa này mỗi năm chỉ gieo cấy được 1 vụ mùa, quy trình trồng và chăm sóc khắt khe hơn đối với các giống lúa khác. Đặc biệt, chỉ sử dụng các loại phân vi sinh, phân chuồng hoai mục để bón, mới giữ được chất lượng gạo. Năng suất lúa đạt từ 4-4,5 tấn/ha, nhưng tỷ lệ gạo đạt được khi xay xát cao hơn các loại thóc khác. Đối với đầu ra của sản phẩm, chúng tôi đang cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở Thành phố, thị trấn Hát Lót và làm quà biếu người thân, anh em, bạn bè, đặc biệt là để dùng gói bánh chưng các dịp lễ, tết.

 

Ngoài nghề trồng lúa, Mường Chanh còn nổi tiếng với nghề làm gốm từ đất dẻo, đất sét tại xã. Tới thăm gia đình ông Hoàng Văn Nam, 75 tuổi, bản Nong Ten, là một trong 5 gia đình còn lưu giữ nghề gốm truyền thống ở Mường Chanh. Vừa tỉ mẩn tạo hình cho từng sản phẩm gốm, ông Nam kể: Đây là nghề gia truyền của gia đình. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nên để hoàn thiện một sản phẩm gốm phải mất từ 5-7 ngày từ tạo hình, sấy khô, nung gốm. Một năm, tôi chỉ nung được 5 lò gốm, mỗi lò khoảng 40 sản phẩm là các chum, bình đựng rượu, chén, bát... Những năm gần đây, tôi thường xuyên được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên mời đi thực hành làm gốm truyền thống cho khách du lịch xem. Nhờ được quảng bá, hiện các sản phẩm gốm Mường Chanh được nhiều người tìm mua, nhất là khách du lịch rất thích loại gốm làm thủ công và không tráng men.

 

Trao đổi với đồng chí Tòng Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, được biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 5 năm (2016-2020), xã Mường Chanh đã hoàn thành 12,3 km đường bê tông nông thôn với tổng vốn đầu tư trên 7,2 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp 3,64 tỷ đồng). Đến nay, 12/12 bản của xã có đường ô tô đến bản; 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; sản lượng lương thực đạt 1.754 tấn/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 2,72%. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện, toàn xã đã thành lập được 7 HTX, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã.

 

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Chanh, khu căn cứ cách mạng năm xưa nay đã trở thành vùng nông thôn mới, với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang; những ngôi nhà cao tầng, các quầy hàng đầy ắp hàng hóa và những con đường bê tông rộng rãi đi qua các bản; đời sống nhân dân ngày càng sung túc. Vượt qua mọi khó khăn, Mường Chanh đang khởi sắc từng ngày, tô thắm thêm truyền thống Anh hùng của quê hương cách mạng năm xưa.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 30/10/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu chậm. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi cao có nơi trời rét, ngày nắng.
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận một số dự thảo luật

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
  • 'Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”

    Quốc phòng -
    Triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng đơn vị chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những năm qua, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộc Châu đã xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện sát với tình hình của đơn vị, tạo chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, phong trào, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực tiêu biểu”.
  • 'Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Lựa chọn hàng hóa thương hiệu Việt

    Kinh tế -
    Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau gần 15 năm triển khai đã nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn của mỗi người dân thông qua việc lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt. Ở tỉnh ta, Cuộc vận động được triển khai gắn với các hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
  • 'Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm

    An toàn giao thông -
    Thành phố Sơn La có mật độ phương tiện tham gia giao thông nhiều, nhất là những tháng cuối năm, thời điểm các hộ kinh doanh tập trung vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Công an thành phố Sơn La đã chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ.