Xây dựng thương hiệu nông sản địa phương

Cùng với việc duy trì và nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, huyện Phù Yên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo uy tín về chất lượng, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giọng nữ
Du khách lựa chọn các sản phẩm OCOP của huyện Phù Yên.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Xây dựng thương hiệu cho nông sản của huyện là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của các hộ nông dân và đồng hành của địa phương. Huyện đang vận động nhân dân hướng đến sản xuất theo chuỗi, tham gia liên kết “4 nhà” (nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học); định hướng khai thác thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tham gia các quy trình, chuỗi sản xuất sạch, an toàn. Bên cạnh đó, huyện tích cực đưa sản phẩm nông sản của huyện tham gia các hội chợ thương mại, trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện lớn của tỉnh, tìm kiếm đối tác hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Phù Yên hỗ trợ trên 400 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp. Trong đó, tiền hỗ trợ xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ, đánh giá chất lượng nông sản chiếm 10-15% tổng nguồn vốn đã giải ngân. Đến nay, toàn huyện có 2 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận, gồm: Cam Phù Yên vào năm 2017 và gạo Phù Yên vào tháng 11/2023. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng thương hiệu quýt ở xã Mường Cơi; tỏi Gia Phù; chè Mường Do... Trong đó, sản phẩm quýt Nghĩa Hưng được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Nông dân xã Mường Lang, huyện Phù Yên, trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả.

Ông Nguyễn Đức Cường, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, chia sẻ: Gia đình tôi có gần 7 ha trồng các loại cây cam V1, V2 và cam đường canh, toàn bộ diện tích đều áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, có sổ ghi nhật ký quá trình chăm sóc; sản phẩm cam được dán tem truy xuất nguồn gốc. Cách làm này, tạo được sự tin tưởng cho khách hàng và khẳng định thương hiệu cam Phù Yên. Mỗi vụ quả, gia đình đều nhận được đơn đặt hàng lớn từ các thương lái và một số khách hàng ở các tỉnh miền xuôi, gần 500 tấn cam của gia đình đều tiêu thụ thuận lợi.

Đối với nhân dân các xã thuộc cánh đồng Mường Tấc đã quen với nghề trồng lúa bao năm nay, khi sản phẩm truyền thống của địa phương được chọn để xây dựng thương hiệu, bà con từng bước làm quen với cách thức sản xuất mới. Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, chia sẻ: HTX đã vận động các thành viên thực hiện nghiêm quy trình sản xuất lúa hữu cơ. Hiện nay, HTX thâm canh 100 ha lúa hữu cơ, mặc dù chưa thu hoạch nhưng đã có khách đặt hàng, không còn phải lo đầu ra.

Nông dân xã Quang Huy, huyện Phù Yên trồng lúa theo phương pháp hữu cơ.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu nông sản, đã giúp nông dân huyện Phù Yên thay đổi tư duy sản xuất, từng bước tiếp cận với sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đưa nông sản Phù Yên có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp nông dân làm giàu trên quê hương.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới