Bắt đầu bước vào mùa đông cũng là thời điểm khoai sọ Thuận Châu vào vụ thu hoạch. Những năm gần đây, sản phẩm khoai sọ được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn, bởi chất lượng thơm ngon.
Thuận Châu có gần 150 ha khoai sọ, sản lượng đạt 1.500 tấn/năm, trồng tập trung ở các xã Chiềng Ly, Chiềng Bôm, Nậm Lầu, Muổi Nọi. Mùa thu hoạch khoai sọ từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11 dương lịch. Khác với những giống khoai ở miền xuôi chỉ ưa trồng trên các loại đất ruộng tơi xốp giàu dinh dưỡng, khoai sọ Thuận Châu không kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng từ 8-10 tháng, nên khoai sọ Thuận Châu chỉ có duy nhất một vụ trong năm. Bắt đầu trồng vào sau tết âm lịch và thu hoạch vào đầu đông khi lá khoai đã vàng héo, mỗi cây có một củ to nặng từ 0,6-1 kg và các củ nhỏ xung quanh thường để làm giống trồng cho vụ sau.
Năm 2018, khoai sọ Thuận Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam cần được giữ gìn và phát triển.
Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Trong tổng số 150 ha khoai sọ trên địa bàn huyện có trên 50 ha giống khoai sọ bản địa được phục tráng bằng công nghệ nuôi cấy mô, lọc ra gen. Xây dựng thương hiệu khoai sọ Thuận Châu, Phòng đã hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác và bà con nông dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi để nâng cao chất lượng, sản lượng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, thu hoạch và bảo quản bảo đảm sạch và an toàn, sản phẩm khoai sọ Thuận Châu đã có mặt tại các siêu thị lớn trong cả nước.
Với tiềm năng phát triển, nhiều HTX trong huyện đã xây dựng vùng trồng khoai sọ tập trung quy mô lớn, quy trình sản xuất an toàn. Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Muổi Nọi, thông tin: Là đơn vị duy nhất được huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu khoai sọ Thuận Châu, HTX đã liên kết với hơn 200 hộ tại các xã Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Chiềng Ly, trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, HTX liên kết thu mua khoai sọ với giá từ 30-40 nghìn đồng/kg cho các hộ dân liên kết.
Vụ khoai sọ năm nay, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng đúng thời điểm trồng, nên sản lượng trung bình chỉ đạt 6-8 tấn/ha (bằng 1/2 so với năm 2022), nhưng giá bán tăng gấp đôi so với mọi năm. Theo khảo sát thực tế, khoai sọ loại 1 bán với giá 40.000-45.000 đồng/kg; loại 2 từ 30.000-35.000. Ông Lường Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ly, cho biết: Những năm qua, xã vận động bà con trồng hơn 21 ha khoai sọ, tập trung ở bản Cụ và bản Hán. Năm nay, khoai sọ mất mùa nên giá bán cao.
Bên cạnh đó, để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; giới thiệu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến khoai sọ và các sản phẩm nông nghiệp khác của huyện.
Chị Lê Thị Hường, cán bộ Phòng NN và PTNT huyện, chia sẻ: Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất vừa qua, huyện đã giới thiệu quảng bá sản phẩm khoai sọ và được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu sản phẩm khoai sọ và nông sản Sơn La đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với mục tiêu xây dựng thương hiệu khoai sọ là sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương, huyện Thuận Châu đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất khoai sọ, nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!