Thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do

Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA), có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương tỉnh Sơn La đã quán triệt nghiêm túc, tập trung thực hiện Hiệp định thương mại tự do với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển mở rộng thị trường; khai thác các ưu đãi để tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong hoạt động xuất, nhập khẩu cho địa phương.

Giọng nữ
Gian hàng của tỉnh Sơn La tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội năm 2024.     Ảnh: PV

Tổ chức thực hiện các FTA

Sau năm 2006, Sơn La bắt đầu triển khai, thực hiện các FTA, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ đồng chí Phó Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố phân công một đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách khối kinh tế trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về thực hiện FTA của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến với các đối tượng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan, phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA; tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế và nội dung các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

Hằng năm, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhằm kịp thời giải đáp thắc mắc và tư vấn, hỗ trợ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các hoạt động xuất nhập khẩu... tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong triển khai các nội dung liên quan về hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các FTA. Các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành Trung ương được tỉnh báo cáo, giải quyết kịp thời về chính sách thuế, hải quan, xuất, nhập khẩu...

Đóng gói sản phẩm long nhãn tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hoa quả Sơn La, thành phố Sơn La

Đẩy mạnh thương mại hàng hóa

ơn La đang thực hiện các FTA trên 5 lĩnh vực: Chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng và thương mại hàng hóa. Quá trình thực hiện các FTA, đã góp phần thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, tạo điều kiện cho Sơn La củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực hiện FTA trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, đối với hoạt động xuất khẩu, giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Sơn La đạt 20,82 triệu USD, tăng bình quân 1,76%/năm. Mặt hàng chủ yếu là ngô, chè, cà phê... Thị trường xuất khẩu chính sang Lào, Đài Loan, Trung Quốc. Giai đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng lên 218,37 triệu USD, tăng bình quân 107,7%/năm; sản phẩm chủ yếu là ngô, chè, xi măng và quặng Niken... Từ năm 2016 đến nay, cơ cấu xuất khẩu điều chỉnh phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, mặt hàng xuất khẩu nông sản tăng nhanh.

HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đạt nhiều thành công trong xuất khẩu nông sản. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX trồng hơn 100 ha thanh long, để sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo quy trình VietGAP, có mã số vùng trồng, kiểm soát toàn bộ quy trình từ chăm sóc, thu hái, bảo quản, kiểm nghiệm. Năm nay, quả thanh long ruột đỏ tiếp tục tiêu thụ tốt tại thị trường Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ... Từ năm 2022 đến nay, HTX xuất khẩu trên 700 tấn thanh long ruột đỏ.

Năm 2023, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 186,8 triệu USD, tăng 6,9%; trong đó, giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; các sản phẩm xuất khẩu đa dạng hơn, gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, chuối, xoài, thanh long, chanh leo... Các con số từng giai đoạn đã thể hiện sự tích cực tham gia FTA của Sơn La, đánh giá năng lực xuất khẩu của tỉnh ta ngày một đi lên.

Thành viên HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn phân loại thanh long phục vụ xuất khẩu.

Nâng cao cơ hội đầu tư, cạnh tranh

Hiện nay, tỉnh thu hút 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động với số vốn đăng ký 153,6 triệu USD. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản, dịch vụ... Trong đó, Australia 1 dự án, Nhật Bản 2 dự án, Hàn Quốc 3 dự án, Đài Loan 1 dự án. Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục thẩm định 1 hồ sơ đề xuất đầu tư mới của Công ty Blackstone Minerals Limited - Australia dự kiến đầu tư dự án Nhà máy tinh luyện Niken Tạ Khoa tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên, với nhu cầu sử dụng đất 324 ha, tổng vốn đầu tư gần 879.200.000 USD. Nhìn chung các dự án FDI triển khai tương đối thuận lợi, đạt kết quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực hiện tốt các cam kết FTA về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được quan tâm và tạo điều kiện, nhằm đáp ứng các yêu cầu của cam kết FTA về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp; giúp các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Đến nay, toàn tỉnh có 28 sản phẩm nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 1 sản phẩm chè shan tuyết Mộc Châu cấp văn bằng bảo hộ tại Thái Lan; 2 chỉ dẫn địa lý “Chè shan tuyết Mộc Châu; xoài tròn Yên Châu” được bảo hộ tại thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, những khó khăn chung của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trao đổi thương mại. Do tận dụng tốt cơ hội từ FTA mang lại, các HTX, doanh nghiệp trong tỉnh tích cực đổi mới kỹ thuật sản xuất, đa dạng sản phẩm, liên kết mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 80 triệu USD.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các FTA, UBND đã ban hành nhiều chương trình kế hoạch triển khai các FTA, về hội nhập quốc tế tỉnh giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, xây dựng bản tin thông báo và hỏi đáp thực thi hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, xuất bản 2 tháng/1 kỳ phát đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục giúp tỉnh Sơn La xây dựng và phát triển bền vững vùng cây ăn quả; rau, củ quả đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu theo từng thị trường mà Việt Nam tham gia FTA. Đề nghị Chính phủ, xem xét ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển Logistic, kho trung chuyển, nhất là các kho lạnh bảo quản nông sản trên địa bàn các tỉnh có vùng nguyên liệu rau quả, xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường.

Bài, ảnh: Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới