Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến mùa vụ, năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Với trên 171.000 hội viên, Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2023-2028 đã lấy chủ đề “đồng hành cùng nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân các biện pháp ứng phó với hạn hán, mưa lũ; phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến khích nông dân chủ động đưa các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế để đưa vào sản xuất. Đồng thời, ứng dụng các phương pháp sản xuất từ hỗ trợ của Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Bắc” (Dự án VOF) đã được thử nghiệm thành công ở các huyện Vân Hồ, Mai Sơn và Thuận Châu. Qua đó, giúp hội viên sẵn sàng thích ứng trong sản xuất và đạt năng suất cao trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Bên cạnh đó, Hội nông dân các huyện, thành phố đã rà soát, cử cán bộ, đại diện các HTX và hội viên nông dân tham gia các lớp tập huấn về tác động biến đổi khí hậu; gieo trồng đúng khung thời vụ; phương pháp sản xuất phù hợp với từng loại hình thời tiết... Riêng năm 2023, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức 12 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho gần 3.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
Đối với các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan, như Phù Yên, Mường La, Yên Châu, Sông Mã, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn, HTX có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật để tiến hành hướng dẫn hội viên kỹ thuật sản xuất một số loại cây trồng, sử dụng các loại phân bón hữu cơ bảo vệ môi trường...
Ông Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, chia sẻ: Gia đình có 4 ha cây ăn quả có múi, hằng năm, vào thời điểm cây ra hoa cũng là mùa hanh khô. Nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất, tôi đã tham khảo những hướng dẫn về phương pháp chấm phấn, thụ phấn bằng tay, để tăng khả năng đậu quả. Đồng thời, bảo đảm nước tưới, giữ lại lớp cỏ trên mặt đất, chỉ làm cỏ quanh gốc cây với bán kính khoảng 1m. Với cách làm này, hạn chế được việc nắng nóng kéo dài làm bốc hơi, suy giảm độ ẩm của đất. Năng suất hằng năm luôn ổn định khoảng 10 tấn/ha.
Với nhóm hộ tại bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, sử dụng nguồn vốn 60 triệu tài trợ từ dự án VOF vào việc mua các giống lúa mới và phân bón không gây ô nhiễm môi trường để sản xuất 20 ha lúa theo phương pháp SRI và các loại cây ăn quả. Là một trong những hộ tham gia dự án VOF, anh Hà Văn Chiến, chia sẻ: Ngay từ vụ lúa đầu tiên áp dụng phương pháp cấy SRI, năng suất tăng hơn 6 tạ/ha so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, đối với vườn cây ăn quả, các hộ trong nhóm đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết thêm: Biến đổi khí hậu ngày càng có những diễn biến phức tạp, cùng với đẩy mạnh hướng dẫn hội viên, nông dân áp dụng các phương pháp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội Nông dân tỉnh đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững; trong đó tập trung các khâu, như sản xuất giống, quy trình sản xuất, quản lý môi trường và dịch bệnh, thu hoạch, từng bước tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!