Khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư

Mai Sơn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, có các tuyến đường huyết mạch đi qua như Quốc lộ 6, Quốc lộ 37, Quốc lộ 4G. Vị trí địa lý thuận lợi, diện tích tự nhiên rộng, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, như mía, sắn, cà phê, vùng cây ăn quả phục vụ cho các nhà máy chế biến... là những điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư vào địa bàn.

Ca sản xuất tại Nhà máy tinh bột sắn, Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên Sơn La.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh, huyện Mai Sơn chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, hệ thống điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nhất là về lĩnh vực đất đai, kinh doanh, cấp phép xây dựng, đảm bảo trên 90% TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa hiện đại, đảm bảo được giải quyết đúng hạn; 100% các xã, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đến nay, UBND huyện đã cung cấp 242 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Phần mềm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại được triển khai đối với 12 lĩnh vực, 273 thủ tục hành chính cấp huyện và 27 thủ tục hành chính các cơ quan ngành dọc. Việc tiếp nhận, xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ, công chức được chú trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp, phân công rõ nội dung, trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn, thường xuyên đôn đốc triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động.

Riêng năm 2023, huyện Mai Sơn tham gia ý kiến thẩm định 6 dự án đầu tư mới, 5 dự án điều chỉnh bổ sung, với tổng vốn trên 993 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, có 26 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 3.100 tỷ đồng. Đến nay, một số dự án đi vào hoạt động, như: Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc; Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La; Dự án cải tạo, đầu tư nâng công suất Nhà máy tinh bột sắn Sơn La của Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên...

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc nhà máy tinh bột sắn, Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên Sơn La, cho biết: Nhà máy đã đầu tư nâng công suất chế biến lên 300 tấn sản phẩm/ngày, tương đương hơn 1.000 tấn sắn nguyên liệu. Nhiều công đoạn sản xuất đã tự động hóa, tổ chức sản xuất theo hình thức chuyên môn hóa cao, mỗi bộ phận còn 2-3 người vận hành, giám sát. Hiện nay, nhà máy đang tạo việc làm cho 140 công nhân lao động trực tiếp, mức lương 5,5-7 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm cho 200 lao động gián tiếp.

Từ nay đến năm 2025, huyện Mai Sơn tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản, công nghiệp; hạ tầng dịch vụ; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng tỷ lệ đô thị hóa; phát triển du lịch gắn với khai thác tiềm năng nông nghiệp, khí hậu, bản sắc văn hóa, con người.

Thực hiện các mục tiêu trên, huyện Mai Sơn tăng cường kiểm tra đối với các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các dự án hoàn thành đi vào sản xuất kinh doanh; kiên quyết xử lý các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, nợ thuế kéo dài; dự án không thực hiện đúng cam kết theo các nội dung đã được chấp thuận theo thẩm quyền. Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng, tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh.

Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các nhà đầu tư sử dụng công nghệ mới và có phương án bảo vệ môi trường hiệu quả trong quá trình sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới