Khai thác thị trường nông sản Trung Đông và châu Phi

Ngoài những thị trường truyền thống và trọng điểm như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ… nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang được xúc tiến xuất khẩu sang các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi. Gạo, cà-phê, thủy sản là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vào thị trường này.

Sản xuất gạo tại nhà máy Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)
Sản xuất gạo tại nhà máy Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh HỮU NGHĨA)

Xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman.

Hiện sáu nước GCC đều là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó khu vực châu Phi có 45/55 nước đã tham gia WTO, rất thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập sâu.

Lợi thế đang được tận dụng

Ông Trương Xuân Trung- Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết: Nông nghiệp của UAE chỉ chiếm 0,9% GDP nên 80% thực phẩm và đồ uống được UAE nhập khẩu.

Dân số UAE và du khách ngày càng tăng đã dẫn đến sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm nói chung và UAE đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Đối với Việt Nam, năm 2022, nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu sang UAE đạt hơn 190,6 triệu USD, tăng 3,19% so với năm 2021, trong đó mặt hàng rau quả trái cây tươi đạt hơn 46,3 triệu USD.

Ông Trần Trọng Kim-Tham tán thương mại Việt Nam tại Saudi Arabia cho biết, Saudi Arabia có đến 95% diện tích là sa mạc đá và cát, khí hậu nóng nên không thể trồng trọt canh tác nông nghiệp. Phần lớn hàng hóa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam gồm: gạo, thủy sản, cà-phê, chè, hạt điều, hạt tiêu.

Khai thác thị trường nông sản Trung Đông và châu Phi ảnh 1

Hạt điều là một trong những nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty Donafoods (Đồng Nai). (Ảnh VÂN NAM)

Saudi Arabia có nhu cầu lớn các loại nông sản, thực phẩm Halal, organic, rau quả tươi với mức nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD/ năm. Ngoài ra, thủy sản mỗi năm nhập khẩu từ Việt Nam hơn 80 triệu USD.

Về thuế nhập khẩu, mặt hàng gạo (gạo thơm, gạo hạt tròn) hiện được Saudi Arabia miễn thuế nhập khẩu. Các loại nông sản, rau quả khác có thuế nhập khẩu từ 5-15% tùy loại.

Đối với thị trường châu Phi, Algeria là một quốc gia có nhiều tiềm năng cho nông sản Việt Nam xuất khẩu.

Ông Hoàng Đức Nhuận - Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Algeria đạt 180 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những mặt hàng xuất khẩu chính gồm cà-phê, đạt kim ngạch 116 triệu USD, hạt tiêu 3,11 triệu USD, hàng thủy sản 3,35 triệu USD...

Cà-phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thường chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

Hằng năm, Algeria nhập khẩu từ các nước trên thế giới khoảng 130 nghìn tấn cà-phê hạt các loại, trị giá khoảng 300 triệu USD. Cà-phê được nhập khẩu dưới dạng thô (hạt) và được rang xay, chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người Algeria với chủng loại Robusta chiếm tỷ trọng lớn (hơn 85%), vì vậy cà-phê Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng trưởng kim ngạch tại thị trường này.

Cần đáp ứng nhiều yêu cầu nghiêm ngặt

Theo Thương vụ Việt Nam tại UAE, UAE là thị trường mở, hầu như không có rào cản thương mại, nhưng tính cạnh tranh rất gay gắt. Các sản phẩm xuất khẩu phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tỷ lệ hóa chất, thuốc trừ sâu không được vượt quá mức cho phép.

Cụ thể, UAE duy trì một danh sách đầy đủ các yêu cầu đối với bao bì và hộp đựng thực phẩm với hơn 20 quy định của Tổ chức tiêu chuẩn hóa Vùng Vịnh liên quan một loạt vật liệu tiếp xúc với thực phẩm.

Ngoài ra còn có các quy định về nhãn mác, như nhãn mác phải được in bằng tiếng Arab với các nội dung: Tên sản phẩm (tên thực phẩm) ở vị trí nổi bật trên nhãn; nước xuất xứ; mã vạch…

Quy định kỹ thuật của UAE UAE.S GSO 9: 2017 còn quy định tất cả các thành phần thực phẩm và thực phẩm đã được chiếu xạ phải được xác định trên nhãn bao bì và hiển thị logo quốc tế. Bên cạnh đó là hàng loạt quy định về Halal đối với thực phẩm và đồ uống nhập khẩu.

Trong khi đó, đối với thị trường Algeria, nông sản Việt Nam xuất khẩu cũng phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhiều nước, đặc biệt là hàng Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan (gạo), Brazil, Indonesia, Bờ Biển Ngà, Ethiopia, Uganda, Italia (cà-phê) Tadjikistan, Tây Ban Nha (thủy sản)...

Chưa kể, hàng Việt Nam phải cạnh tranh với hàng hóa cùng loại của nhiều quốc gia gần gũi về mặt địa lý và có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Algeria.

Còn tại thị trường Saudi Arabia, nông sản, thực phẩm xuất khẩu đều phải đăng ký với SFDA (Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Arab Saudi) và phải được SFDA chấp thuận. SFDA không chỉ ra quy định mà còn thực thi kiểm tra rất nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

SFDA có quyền kiểm tra chính thức các quy trình hoạt động của cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu để xác minh rằng các quy định pháp luật và hệ thống quản lý ở quốc gia đó tuân thủ luật thực phẩm của Saudi Arabia, các quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ thị và mọi văn bản pháp luật liên quan bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật của Saudi Arabia.

Ông Nguyễn Thành Long - Tham tán thương mại Việt Nam tại Iran (kiêm Syria, Iraq) cho rằng: Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Iran nhập khẩu các mặt hàng nông sản trị giá khoảng 10 tỷ USD/năm.

Thời gian vừa qua, xuất khẩu hàng nông sản vào Iran chưa được khai thác hiệu quả do doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về thị trường này.

Ngoài ra, người Iran chú trọng kết nối trực tiếp với đối tác, vì thế doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác thị trường Iran, muốn làm ăn lâu dài, thì nên tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế tại Iran và khu vực có liên quan để kết nối, tìm hiểu thị trường.

“Xuất khẩu vào Iran cần lựa chọn các mặt hàng không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cùng loại của Iran, chuẩn bị tốt đơn hàng, thường xuyên kết nối với đối tác qua các kênh, lựa chọn và đàm phán phương thức thanh toán phù hợp. Nếu khéo léo trong đàm phán với người Iran, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội kinh doanh rất tốt”-ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới