Dẻo thơm gạo nếp Mắc Đươi

Với đặc trưng dẻo, thơm, vị đậm đà, gạo nếp Mắc Đươi, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu được đồng bào dân tộc Thái trong xã sử dụng để đãi khách mỗi khi đến chơi nhà, làm quà biếu hay nấu xôi làm bánh vào các dịp lễ, tết.

Những ngày cuối tháng 10, về xã Mường Lựm đúng dịp bà con đang thu hoạch lúa. Trên những thửa ruộng, hai bên bờ suối Huổi Luông, không khí lao động hăng say, tiếng cười nói của bà con rôm rả, tiếng máy tuốt nổ giòn; mùi lúa chín tỏa hương thơm ngát.

Nông dân sử dụng máy gặt cầm tay để cắt lúa.

Mường Lựm được thiên nhiên ưu đãi bởi địa hình bằng phẳng, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm. Vụ mùa năm nay, xã cấy 71 ha lúa, trong đó, lúa nếp đặc sản Mắc Đươi được gieo cấy ở các bản Luông, Mường Lựm và bản Nà Lắng, với hơn 20 ha, sản lượng gần 100 tấn thóc/năm. 

Nhân dân bản Luông thu hoạch lúa. 

Gạo nếp Mắc Đươi hạt có hình bầu dục tròn, mẩy, màu trắng đục, dẻo, hương vị rất thơm ngon, khác hẳn với các loại nếp khác. Ngoài phục vụ bữa ăn hằng ngày, gạo nếp Mắc Đươi còn để làm các loại xôi, bánh dâng cúng tổ tiên, nhất là trong các dịp lễ, tết. Trong dịp lễ hội đầu xuân, loại nếp được bà con dân bản ví như “hạt ngọc quý” này kết hợp với các loại lá cây rừng sẵn có… tạo nên món xôi ngũ sắc đẹp mắt, thơm ngon mang đặc trưng riêng của núi rừng.

Lúa nếp Mắc Đươi có hạt tròn, màu nâu sậm. 

Gia đình anh Hà Văn Thao, bản Luông, có 4.000 m2 đất trồng nếp Mắc Đươi. Chia sẻ kinh nghiệm trồng giống lúa này, anh Thao nói: Lúa nếp Mắc Đươi mỗi năm chỉ gieo cấy được một vụ, bắt đầu gieo mạ vào đầu tháng 5, cấy vào tháng 6, 7, tuổi mạ thường kéo dài hơn một tháng so với những giống lúa khác, bởi nếu cấy khi mạ còn non lúa sẽ không chắc hạt, nhiều hạt lép. Lúa Mắc Đươi ưa phân chuồng và phân xanh, nên bón ít phân đạm để lúa tránh bị lốp hoặc đổ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng gạo. Hiện nay, nếp đặc sản này được bán với giá 20 nghìn đồng/kg thóc và 40 nghìn đồng/kg gạo.

Anh Hoàng Minh Cường, bản Mường Lựm, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 1.000 m2 trồng giống lúa Mắc Đươi. Hiện nay, gia đình đang thu hoạch lúa, dự kiến đạt 8 tạ thóc. Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ nhân dân trong xã kỹ thuật chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo tồn được nguồn gen quý hiếm của giống lúa đặc sản này.

Nhân dân bản Mường Lựm phơi thóc trong sân nhà.
Xôi đồ từ gạo nếp Mắc Đươi.

Ông Hoàng Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Mường Lựm, cho biết: Gạo nếp Mắc Đươi là giống lúa bản địa, mang đặc trưng của địa phương, có giá trị kinh tế cao. Xã đã vận động nhân dân quan tâm bảo vệ giống lúa đảm bảo độ thuần. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc; rà soát diện tích lúa để hình thành vùng trồng tập trung. Xã mong muốn được các cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình mẫu; tổ chức hội nghị đầu bờ, đánh giá và nghiệm thu kết quả mô hình nhân rộng giống lúa, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trời chiều, Mường Lựm se lạnh, mây mù sà xuống làm cho không gian trở nên huyền ảo. Dưới nếp nhà sàn, phảng phất hương nếp thơm. Hy vọng, công tác bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Mắc Đươi sẽ được quan tâm, góp phần bảo vệ nguồn gen, nhân rộng và phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới