Thời tiết khô hạn kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp chống hạn, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm sản xuất đúng khung thời vụ.
Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 2.697 công trình thủy lợi, 110 hồ chứa nước, đảm bảo tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị, với diện tích 64.600 ha. Hiện tại, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, lượng nước trong các hồ chứa thủy lợi chỉ còn khoảng 60% dung tích trữ, nguồn nước trên các sông, suối, khe suối đang suy giảm mạnh.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Chủ động phòng, chống hạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra đối với cây trồng, ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành công văn triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước vụ đông xuân 2023-2024. Đồng thời, sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tập trung kiểm tra, đánh giá tình hình nguồn nước và khả năng cấp nước của các công trình thủy lợi trên địa bàn; triển khai, thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 1.300 ha lúa xuân bị ảnh hưởng hạn hán. Trong đó, gần 800 ha có khả năng bị hạn; gần 300 ha lúa bị hạn không có nguồn bơm; 130 ha lúa bị hạn có nguồn bơm và gần 50 ha phải chuyển đổi. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng quả do cạn kiệt nguồn nước tưới.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La, chia sẻ: Công ty đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, chống thất thoát lãng phí; hướng dẫn bơm, làm thêm guồng nước để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất. Chỉ đạo các chi nhánh thủy lợi tại các huyện, thành phố phối hợp với UBND các xã, ban quản lý các bản, tổ thủy lợi vận hành công trình và điều tiết nước tưới, triển khai nạo vét kênh mương, đầu mối lấy nước; thực hiện tưới luân phiên đối với diện tích nơi công trình đã xảy ra hạn hán, ưu tiên xa tưới trước, gần tưới sau. Chuẩn bị sẵn sàng máy bơm hỗ trợ đối với diện tích đã bị hạn và có nguồn nước để bơm tưới dưỡng cho cây trồng...
Qua rà soát, huyện Yên Châu có 23 ha đất ruộng tại 3 xã Viêng Lán, Sặp Vạt và Phiêng Khoài khả năng bị hạn. Ông Phan Huy Bình, Trưởng Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Yên Châu, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các xã huy động máy bơm từ các suối gần ruộng để chống hạn. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân bản Kho Vàng, xã Viêng Lán chuyển đổi 3 ha đất không có khả năng tưới nước chuyển sang trồng mía.
Tại các vùng trồng cây ăn quả, rau màu, nông dân cũng đang tập trung tưới chống hạn cho cây trồng. Anh Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, thông tin: Xã hiện có trên 1.800 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, xoài, nhãn đang trong thời kỳ ra hoa, đậu quả, rất cần nước, do vậy xã thường xuyên phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc, ủ gốc, cung cấp độ ẩm cho cây trồng.
Còn anh Hoàng Văn Trường, bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, cho biết: Ứng phó với hạn hán, đảm bảo nguồn nước tưới cho 3 ha rau màu, gia đình đã thuê thợ về khoan giếng và lắp đặt đường ống tưới tiết kiệm, giảm khoảng 20-30% lượng nước tưới, ngoài ra còn giảm công lao động và thất thoát phân bón, giúp cây hấp thụ cao hơn so với cách tưới truyền thống.
Công tác chống hạn đang được các địa phương triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, trước dự báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục nắng nóng gay gắt, ngành nông nghiệp đã và đang chỉ đạo các địa phương huy động tối đa mọi nguồn lực triển khai thực hiện các giải pháp chống hạn. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng những biện pháp tưới nước tiết kiệm, nạo vét ao hồ tích trữ nguồn nước; triển khai các biện pháp che phủ gốc đảm bảo độ ẩm cho cây trồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, đảm bảo nguồn nước chống hạn phục vụ sản xuất hiệu quả.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!