Xuân về, theo dọc quốc lộ 6 từ cao nguyên Mộc Châu đến chân đèo Pha Đin lịch sử, trên từng cung đường, những cánh đồng, phiêng bãi phủ màu xanh ngút ngàn của chè, mía, cà phê, cây ăn quả,…mới cảm nhận bước đột phá của nền nông nghiệp ở tỉnh miền núi đang chuyển mình. Thành quả của ứng dụng khoa học và công nghệ đã và đang tạo cho nông nghiệp Sơn La hướng đi mới với sự đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên mỗi vùng miền, hình thành vùng sản xuất chuyên canh với chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Mô hình trồng cà chua ghép năng suất cao của Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu.
"Điểm tựa" cho phát triển
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra các chủ trương lớn trong phát triển kinh tế, trong đó xác định: “...Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ cao, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất gắn với phát huy lợi thế của địa phương và thị trường tiêu thụ...”. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, trong đó có nội dung “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao hiệu quả của các cơ sở chế biến hiện có, đầu tư mới các cơ sở chế biến gắn với bảo vệ môi trường bền vững”.
Để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực nông, lâm, thủy làm Trưởng ban; Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, tham mưu, giúp việc Thường trực, Ban Thường vụ tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với sự quyết tâm của Đảng bộ tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn; các huyện, thành phố, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bảo đảm phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững.
Hiện thực hóa trong sản xuất
Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN; tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp. Qua 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 và gần 3 năm thực hiện Đề án phát triển khoa học và công nghệ nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2025, công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả quan trọng. Năm 2016, tiếp tục thực hiện việc rà soát, đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề tài, đề án, dự án khoa học và công nghệ, nhất là các đề tài, đề án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; đánh giá kết quả thực hiện các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đẩy mạnh việc chuyển giao, nhân rộng; xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với thương hiệu sản phẩm; xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của tỉnh; triển khai chương trình kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Trao đổi với ông Phạm Quang An, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, được biết: Qua hơn 3 năm triển khai Chiến lược KHCN tỉnh Sơn La, hoạt động KH&CN tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt, trong đó vai trò của các sở ngành, UBND các huyện, thành phố đã được nâng lên, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN từng bước được đổi mới cả về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động, tiềm lực KH&CN của tỉnh ngày càng được tăng cường. Việc triển khai thực hiện đề án khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, hoạt động khoa học và công nghệ tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Nổi bật như: đã nghiên cứu được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng đưa vào sản xuất như giống lúa Japonica, giống thanh long ruột đỏ, cà chua trái vụ, các giống hoa lan, hoa hồng mới, cá lăng, cá tầm... tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính vùng miền có sức cạnh tranh cao; các quy trình công nghệ ghép cải tạo vườn nhãn, xoài đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; nổi bật là các mô hình nhãn chín muộn tại Sông Mã, Mai Sơn; ghép xoài Thái, Đài Loan trên cây xoài già cỗi năng suất thấp, mô hình cải tạo vườn cam, quýt... cho hiệu quả kinh tế hơn 200 triệu đồng/ha. Việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp cũng được tập trung nghiên cứu, như công nghệ hạ thủy phần mật ong, công nghệ bảo quản, chế biến quả sơn tra nâng cao giá trị sản phẩm lên 20-30%. Lĩnh vực hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã bắt đầu hình thành và phát triển.
Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực được tập trung triển khai, phấn đấu đến năm 2020 có 19 sản phẩm. Hiện, đã có 2 sản phẩm được xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý là sản phẩm xoài Yên Châu và chè Shan tuyết Mộc Châu; đang xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê Sơn La, nhãn Sông Mã và tiến hành các bước xây dựng thương hiệu 6 sản phẩm: cá tầm, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, sơn tra, cá lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai và nếp tan Mường Và, Sốp Cộp. Từ việc xây dựng thương hiệu, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng đã tạo ra những sản phẩm địa phương có ý nghĩa quốc gia, như: Chè shan tuyết Mộc Châu xuất khẩu sang các nước Trung đông; Mật ong Sơn La, rượu vang Sơn tra có mặt trên thị trường toàn quốc; cây giống cà chua ghép trái vụ được cung cấp trên 10 tỉnh thành phía Bắc; rau, hoa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap cung cấp trên thị trường Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; xoài, nhãn chất lượng cao cung cấp cho thị trường Hà Nội, và thị trường các tỉnh lân cận; cà phê Sơn La xuất khẩu sang Nhật bản, EU,... Bên cạnh đó, tỉnh ta còn tích cực xây dựng và phát triển các mô hình chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản của tỉnh; tổ chức Tuần hàng nông sản, thực phẩm an toàn Sơn La tại Hà Nội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, với sự tham gia của 20 doanh nghiệp tại Sơn La với trên 40 sản phẩm, trong đó, các loại quả như nhãn, xoài, na, hồng giòn, bơ... là sản phẩm có chất lượng, thương hiệu, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ cao là chủ trương lớn, vừa đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, vừa phát huy tiềm năng lợi thế, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả ứng dụng, chuyển giao KH&CN, nhân rộng các mô hình vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, có thương hiệu để triển khai nhân rộng, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh ta phát triển ngày càng bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!